Sau nhiều lần thực hiện các chuyến thám hiểm vùng đất cao nguyên, ngày 21/6/1893 bác sĩ Alexandre Yersin đã đặt chân lên cao nguyên Langbiang (cao nguyên Lâm Viên) và ông đã thấy được tiềm năng to lớn về phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng của vùng cao nguyên này.
Để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Đà Lạt và tăng cường thu hút du khách đến đây (nhất là du khách quốc tế), cũng như tăng cường sự liên kết phát triển du lịch giữa Đà Lạt và các vùng lân cận (nhất là với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và các tỉnh khác ở Tây Nguyên) thì việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch (chủ yếu là các tour đặc thù) theo các tuyến thám hiểm của Alexandre Yersin vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 là việc làm cần thiết.
Trong thời gian dài gần 10 năm, bác sĩ Alexandre Yersin đã thực hiện 5 cuộc thám hiểm khảo sát vùng đất Tây Nguyên với các chặng đi khác nhau và bằng các phương tiện khác nhau, qua nhiều địa danh với danh lam thắng cảnh đặc sắc và qua các buôn làng của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với các đặc điểm giá trị văn hóa khác nhau. Đồng thời, các tuyến khảo sát này còn nối kết các vùng đất với các giá trị tài nguyên du lịch khác nhau (du lịch biển, du lịch miền núi, du lịch dân tộc học,…). Vì vậy, theo các tuyến mà Alexandre Yersin đã đi có thể hình thành các tour du lịch với các đặc điểm và mục đích khác nhau.
Căn cứ vào độ dài của tour có thể thiết kế các tour ngắn ngày (nội vùng), dài ngày (liên vùng và liên quốc tế).
Các tour ngắn ngày (3 - 5 ngày) có thể được xây dựng với 3 địa danh quan trọng (Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận) làm trung tâm. Từ các trung tâm này du khách có thể trong một thời gian ngắn được tổ chức tham quan các địa danh gắn với cuộc đời và dấu chân của Alexandre Yersin.
Khu vực Nha Trang và phần phụ cận: Du khách tham quan viện Pasteur Nha Trang, mộ Alexandre Yersin tại Suối Cát, trại nuôi ngựa ở Suối Dầu, Hòn Bà… Theo tour này, du khách được trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch biển, du lịch tham quan và tưởng niệm, du lịch nghỉ mát và trải nghiệm, du lịch nghiên cứu và học tập…
Khu vực Đà Lạt và phần phụ cận: Du khách tham quan viện Pasteur Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, khu vực hồ Dankia - Suối Vàng, thác Prenn, đèo Dran… Sản phẩm du lịch đặc thù của tour là du lịch tham quan và tưởng niệm, du lịch nghỉ mát và nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu và học tập…
Khu vực Phan Thiết và phần phụ cận: Du khách tham quan các địa danh có dấu chân của Alexandre Yersin như: bãi biển Phan Rí, Phan Thiết, khu vực núi Tà Cú, khu rừng nhiệt đới Tánh Linh, núi Ông, núi Taduong, các làng người Chăm… Tham gia tour này, du khách được trải nghiệm các sản phẩm du lịch đặc thù: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch thể thao (trèo núi), du lịch văn hóa,…
Các tour dài ngày (trên 1 tuần) có thể được thiết kế theo các hướng và theo các hình thức thực hiện tour khác nhau, song chủ yếu là trên các tuyến mà A.Yersin đã đi. Hướng di chuyển chính chủ yếu là từ Nha Trang, sau đó có thể thiết kế các tour di chuyển bằng các phương tiện khác nhau đến Đà Lạt và phần phụ cận, Phan Rang, Phan Thiết và phần phụ cận, qua Đắc Lắk đến Strung Treng và đến Phompenh (Campuchia) hay đi qua Tây Nguyên đến Attopeu (Lào) và đi tiếp đến Đà Nẵng. Trải nghiệm hành trình này, du khách được tham gia du lịch biển kết hợp du lịch miền núi và du lịch văn hóa.
Căn cứ vào mục đích chuyến đi có thể thiết kế các tour chuyên biệt với các mục đích khác nhau (du lịch biển, du lịch miền núi, du lịch dân tộc học, du lịch homestay, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa…).
Các tour du lịch biển được tổ chức dọc tuyến ven biển theo hướng Nha Trang – Phan Rang – Phan Rí – Phan Thiết và Mũi Né. Du khách sẽ được tắm biển và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch biển tại các khu du lịch biển nổi tiếng trong vùng như: Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Phan Rí, Phan Thiết, Mũi Né và tham quan khám phá các đảo ven bờ: hòn Mun, hòn Tre, Phú Quý…
Các tour sinh thái được tổ chức dọc theo các tuyến khác nhau để phục vụ du khách tham quan, khám phá và tìm hiểu về sự đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng đặc dụng…, trong đó tiêu biểu là: Khu bảo tồn thiên nhiên đảo hòn Mun, hệ thống các vườn quốc gia (Bidoup - Núi Bà, Núi Chúa, Bắc Bình, Chư Yang Sin, York Đôn,…), các khu rừng đặc dụng ở vùng Tánh Linh, Lâm Đồng, Đắk Lắk…
Các tour khám phá, thể thao và mạo hiểm được tổ chức dọc theo các tuyến khác nhau để phục vụ du khách khám phá, thực hiện các hoạt động thể thao (kể cả thể thao mạo hiểm), tiêu biểu là các tour vượt rừng (kể cả vào ban đêm), vượt thác, trèo núi, nhảy dù và tàu lượn (từ các đỉnh núi cao trong vùng: đỉnh hòn Bà, Langbiang, Tà Cú, Tadoung…).
Các tour dân tộc học kết hợp với du lịch văn hóa và du lịch homestay được tổ chức dọc theo các tuyến khác nhau để phục vụ du khách tìm hiểu về kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội, làng nghề truyền thống,… của các đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (chủ yếu là các dân tộc Chăm và Raglai), Tây Nguyên (Chill, Lạch, Mạ, Mơ Nông, Churu, Ê Đê…) và cả ở khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Căn cứ vào phương tiện di chuyển có thể thiết kế các tour theo các phương tiện khác nhau (đi bằng ô tô, đi bộ, đi ngựa, cưỡi voi, đi thuyền…). Việc thiết kế các tour này phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của các nhóm du khách.
Các tour đi bằng ô tô sẽ tổ chức đi trên các tuyến đường QL1A, QL26, QL27, QL20, đường 723… và có thể qua cửa khẩu (Bờ Y, Hoa Lư…) sang Lào và Campuchia.
Các tour đi bằng ngựa hay cưỡi voi được thiết kế mang tính chuyên biệt (chỉ có các công ty lữ hành có điều kiện và được tổ chức tốt).
Các tour du lịch đi bằng thuyền dọc theo các dòng sông như sông La Ngà, sông Đa Nim, sông Đồng Nai, sông Serepok, sông Mêkong,... Các tour du lịch này có thể được thiết kế cho du khách đi bằng loại thuyền độc mộc, tuy nhiên cần phải có khảo sát cụ thể và tổ chức thực hiện thật chuyên nghiệp.
Các tour “phượt” bằng xe đạp, xe máy hay đi bộ sẽ là các tour dành chủ yếu cho phân khúc khách du lịch trẻ (có sức khỏe và ưa mạo hiểm) và đi theo các tuyến đường mòn hay băng rừng, vượt sông suối và núi cao.
Ngoài ra, tùy vào điều kiện và tình hình cụ thể (nhất là phụ thuộc vào nhu cầu của các nhóm du khách) mà có thể thiết kế nhiều loại hình tour khác.
Cho đến nay, giá trị về lịch sử và nhất là giá trị về du lịch của các cuộc thám hiểm mà Alexandre Yersin đã thực hiện vẫn mang tính thực tiễn cao. Vì vậy, các địa phương trong vùng (nhất là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Lắk) cần tổ chức các cuộc khảo sát thực địa để xây dựng các phương án khai thác có hiệu quả nhất các tour theo các tuyến hành trình của bác sĩ Alexandre Yersin. Điều này sẽ góp phần vào khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch, tăng cường sự liên kết phát triển du lịch và thu hút du khách của các địa phương.
Tài liệu tham khảo
1. Hội Nghiên cứu Đông Dương (1944). Nhật ký của A. Yersin. Tập san số 1/1944
2. Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Hữu Tranh, Trương Ngọc Xán (1993). Bác sĩ Alexandre Yersin và sự hình thành đô thị Đà Lạt…
|
Trần Duy Liên