
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để thu hút du khách. Tại đây, những giá trị tiêu biểu, tinh túy nhất của 54 dân tộc anh em đều được hiện diện. Đặc biệt, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam lại nằm ở Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ của đất nước nên đây là điểm đến rất lý tưởng cho lịch trình của khách du lịch. Tuy có nhiều tiềm năng nhưng những lợi thế của Làng vẫn chưa được khai thác hết khi số lượng, chất lượng của các sản phẩm du lịch chưa rõ nét. Thời gian tới, “Ngôi nhà chung” cần phải sớm thiết kế được nhiều hơn sản phẩm du lịch, tăng cường trải nghiệm cho du khách đồng thời tiếp thu ý kiến của các đơn vị lữ hành, sớm biến những ý kiến đó trở thành chương trình hành động để nơi đây đi vào hoạt động hiệu quả.
Tại toạ đàm, ông Trịnh Ngọc Chung, Phó Trưởng ban phụ trách BQL Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện nay, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực, tuy rằng đã và đang tích cực quảng bá sản phẩm nhưng các sản phẩm hiện nay không những đang yếu mà còn thiếu, chưa đáp ứng được mong đợi của du khách. Bên cạnh đó, một số hạng mục nhà ở của người dân tộc chưa được tận dụng hết.

Trong thời gian tới, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tập trung vào du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng với không gian văn hóa, không gian ẩm thực đậm đà bản sắc hơn, hướng tới tăng cường tổ chức tuần văn hóa của các địa phương tại Làng.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đơn vị lữ hành cũng đã đưa ra nhiều phương án đề xuất nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm du lịch tại Làng. Các doanh nghiệp đều mong muốn Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nên mở cửa theo giờ linh hoạt thay vì mở cửa và làm việc theo giờ hành chính như hiện nay. Một số doanh nghiệp cũng đưa đề xuất, ý kiến như: nâng cao nghiệp vụ cho thuyết minh viên tại điểm; mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho người dân; trang bị thêm hệ thống loa ở các xe điện; bổ sung bảng biển chỉ dẫn; xây dựng thêm các sản phẩm đặc trưng của Làng. Đặc biệt, Làng cần bổ sung thêm cơ sơ lưu trú, khu nhà ăn, không gian trải nghiệm và khu vui chơi giải trí nhằm phục vụ đối tượng khách chính là học sinh, sinh viên.
PV