Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải cho biết: Trong thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, với tinh thần “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát triển”, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch công tác mà Đảng, Chính phủ giao phó, thiết thực đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Để có được những thành công đó, có sự đóng góp không nhỏ của công tác truyền thông.
Truyền thông có chức năng, nhiệm vụ quan trọng trong việc cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Trong xã hội hiện đại, truyền thông trở thành hoạt động kết nối cộng đồng, là cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, giữa trung ương với địa phương, giữa trong nước và quốc tế. Thông tin trên các phương tiện truyền thông đã góp phần quan trọng giúp các cơ quan nhà nước điều hành và quản lý tốt hơn mọi lĩnh vực trong cuộc sống, từ đó thúc đẩy quá trình phản ánh, giám sát - phản biện xã hội; tham gia vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện quyền tự do ngôn luận và bình đẳng của mọi người dân...
Trong những năm qua, số lượng các cơ quan, tòa soạn báo chí, cơ sở thông tin - truyền thông đã không ngừng tăng lên và ngày càng đa dạng hóa các loại hình hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực trong xã hội hiện đại. Để truyền thông phát huy được thế mạnh, đóng góp tích cực trong công tác quản lý nhà nước ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ VHTTDL chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, xây dựng khung chiến lược truyền thông ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chương trình tọa đàm này là bước đầu trong việc tìm hiểu, lắng nghe các ý kiến chuyên gia trong việc xây dựng khung chiến lược truyền thông của Ngành. Thông qua tọa đàm với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia uy tín trong các lĩnh vực truyền thông, sẽ cùng nhau đưa ra những đề xuất, góp ý để làm căn cứ xây dựng khung chiến lược truyền thông Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách bài bản, khoa học và khả thi trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và tiếp thu ý kiến góp ý về các vấn đề: Những vấn đề lý luận chung về truyền thông: điều kiện cần và đủ để xây dựng Chiến lược truyền thông của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động truyền thông về lĩnh vực du lịch, thể thao, văn hóa cơ sở và phương hướng tiếp cận truyền thông trong giai đoạn tiếp theo; Những bài học kinh nghiệm về truyền thông quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; Chiến lược truyền thông trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại: cơ hội và thách thức; Vai trò của truyền thông trong việc bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống; Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới; Tác động của phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng văn hóa gia đình; Ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài thông qua các phương tiện truyền thông mới đối với xây dựng đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay.
Để đẩy mạnh và phát huy vai trò của truyền thông trong phát triển du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đề xuất 3 giải pháp nâng cao hoạt động truyền thông trong du lịch trong giai đoạn tới: Giải pháp về xây dựng nội dung truyền thông; Giải pháp về sử dụng công cụ, phương pháp truyền thông; Giải pháp liên kết, đẩy mạnh xã hội hóa. Đặc biệt, tập trung truyền thông hướng đến các thị trường trọng điểm quốc tế của Việt Nam. Riêng đối với thị trường khách nội địa, những người vừa là đối tượng khách, vừa là chủ thể của điểm đến được phát triển với tư cách là “đối tác” truyền thông đưa hình ảnh du lịch Việt Nam ra quốc tế.
Thanh Hiền