Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan này thống nhất với đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc xây dựng Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.
Thông tin trên được nêu rõ tại Văn bản số 2572/BVHTTDL-DSVH gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc xây dựng hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trình UNESCO.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, trong quá trình lập kế hoạch và xây dựng hồ sơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị phối hợp xây dựng hồ sơ) cần khảo sát, nghiên cứu và mời các địa phương có di sản gốm truyền thống của người Chăm cùng tham gia.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được tờ trình số 41/TTr-UBND (ngày 24/4/2018) của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc xây dựng Hồ sơ Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Một trong những đặc điểm nổi bật của nghề làm gốm truyền thống của người Chăm là kỹ thuật chế tác gốm không dùng bàn xoay, nung lộ thiên (bằng rơm, củi), sản phẩm độc đáo mang nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa tộc người.
Đồng bào dân tộc Chăm dùng đôi tay khéo léo để tạo nên các dòng sản phẩm với mẫu mã đa dạng, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng, tôn giáo vừa thể hiện sự sáng tạo mang tính đại điện, bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm: thạp đựng nước, khoang đựng gạo, bình phong thủy, phù điêu, đèn trang trí, tượng thần Apsara, tượng thần Siva…
Nguôn: www.vietnamplus.vn