Tỉnh Đắk Nông có nhiều núi lửa, hang động núi lửa và điểm địa chất, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Nô, Cư Jut, Đắk Mil và Đắk Song, trong đó có nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị trong hang động núi lửa, có giá trị cao về khoa học và du lịch.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về xác định ranh giới, cách đặt tên các hang động, các di sản cần bảo tồn trong khu vực công viên địa chất; xác định những di sản cần bảo tồn, hoàn thành thủ tục trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu tại tỉnh Đắk Nông.
Một số đại biểu cho rằng, theo tiêu chí của UNESCO thì khu vực công viên địa chất phải có ít nhất 30 điểm du lịch đang hoạt động hiệu quả, trong khi đó, các điểm du lịch trong phạm vi Công viên địa chất núi lửa Krông Nô hiện còn ít và hoạt động không hiệu quả, nhiều nơi bị xâm hại về cảnh quan và môi trường. Vì vậy, việc củng cố xây dựng cơ sở vật chất tại các khu, điểm du lịch và bảo vệ cảnh quan, môi trường tại khu vực này là yêu cầu cấp bách.
Bên cạnh đó, để xây dựng công viên địa chất núi lửa thành công viên địa chất toàn cầu đúng theo tiêu chuẩn, tỉnh Đắk Nông cần xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch; tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ cảnh quan môi trường; xúc tiến quảng bá, giới thiệu, thu hút khách tham quan để phát triển du lịch…
PV