Nhiệm vụ được triển khai thực hiện từ tháng 11/2013-12/2014 thuộc chương trình Hành động quốc gia về du lịch. Ngoài tiêu chuẩn TCVN:2009 về xếp hạng khách sạn và thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL về việc cấp biển hiểu đạt chuẩn thì hiện nay việc quản lý chất lượng các lĩnh vực trong hoạt động du lịch còn có nhiều khó khăn và thiếu công cụ kiểm soát và quản lý. Mục tiêu chính của nhiệm vụ là đề xuất một Chương trình về quản lý chất lượng du lịch, phù hợp kế hoạch hành động giai đoạn này của Chiến lược được Thủ tướng Chính phù ban hành, trong đó trọng tâm đi sâu vào xây dựng bộ công cụ nhằm kiểm soát, quản lý chất lượng các lĩnh vực hoạt động du lịch gồm: lữ hành; khách sạn; khu, điểm du lịch; cơ sở dịch vụ du lịch (tập trung vào điểm mua sắm, điểm ăn uống, điểm dừng chân), đề xuất lộ trình triển khai áp dụng và các hoạt động bổ trợ để thực hiện chương trình quản lý chất lượng du lịch.
Nhiệm vụ đã đề xuất Chương trình quản lý chất lượng du lịch với các nội dung chính nằm trong 3 nhóm: a) hình thành và tăng cường hệ thống quản lý chất lượng; b) truyền thông nâng cao nhận thức về chất lượng và xây dựng uy tín của Chương trình; c) kiểm tra, kiểm soát và đánh giá thực hiện. Chương trình cũng được đề xuất với lộ trình và các đơn vị triển khai cụ thể cùng kế hoạch hành động của các năm từ nay đến 2020. Bên cạnh đó, kết quả quan trọng nhất của nhiệm vụ này là việc áp dụng các mô hình Quản lý chất lượng tổng thể (TQM) và Quản lý chất lượng dịch vụ (Servqual) để xây dựng được bộ công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng du lịch trong 6 lĩnh vực hoạt động như một bước quan trọng đầu tiên của lộ trình hình thành Chương trình quản lý chất lượng du lịch. Bộ công cụ với hướng dẫn chi tiết về phương pháp, quy trình thực hiện một cách dễ hiểu, thuận lợi cho việc áp dụng tự đánh giá, đánh giá thẩm định, có thể hỗ trợ đắc lực trong việc tự quản lý và nâng cao chất lượng cho các doanh nghiệp và công tác thẩm định, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.
Chương trình quản lý chất lượng khi được triển khai sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp công cụ hướng dẫn kiểm soát chất lượng; cho các cơ quan quản lý nhà nước công cụ thẩm định và quản lý chất lượng du lịch tổng thể, cơ sở dữ liệu về các đơn vị và cơ sở có chất lượng, căn cứ để cấp nhãn và vinh danh “Chất lượng du lịch Việt Nam”; cho khách du lịch thông tin về những đơn vị, cơ sở có chất lượng; lao động của các doanh nghiệp có nhiều cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng; doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội được nâng cao nhận thức về việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng và vai trò của quản lý chất lượng trong sự phát triển bền vững.
Để triển khai Chương trình vào thực tiễn, Viện NCPTDL sẽ báo cáo lãnh đạo TCDL tiếp tục triển khai các hoạt động theo lộ trình đã xác định, từng bước giúp nâng cao chất lượng toàn diện cho các lĩnh vực hoạt động của ngành du lịch.
TS. Đỗ Cẩm Thơ