WTTC: Du lịch và Lữ hành sẽ quyết định sự phục hồi kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương
Nhận định trên được dựa trên những báo cáo mới nhất của tổ chức này, có tên là Báo cáo Tác động Kinh tế thường niên (EIR). Theo đó, ngành Du lịch và Lữ hành tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy kinh tế tại khu vực trong năm 2019 vừa qua.
Báo cáo cho biết, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong năm qua, được thúc đẩy bởi các chính sách đơn giản hóa thị thực, tăng cường kết nối và sự ưu tiên của các chính phủ cho ngành Du lịch. Tại châu Á – thái Bình Dương, năm 2019 ngành Du lịch và Lữ hành đã đóng góp gần 3000 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 9,8% vào các nền kinh tế trong khu vực, đạt mức tăng trưởng 5,5% so với năm trước và là năm thứ 5 liên tiếp vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của khu vực (4,2%). Cũng trong 5 năm vừa qua, số lượng việc làm được tạo mới trong ngành Du lịch tại đây cũng là lớn nhất thế giới, với 21 triệu việc làm chiếm 56% số lượng trên toàn cầu.
Năm 2019, Trung Quốc dẫn đầu khu vực về thu ngân sách và số việc làm, bên cạnh đó là các quốc gia tăng trưởng ấn tượng như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Việt Nam và Malaysia tăng trưởng lần lượt 7,7% và 6,6%, với sự đồng đều giữa khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế. Hai quốc gia này chủ yếu thu hút các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí còn du lịch kết hợp công vụ chưa đáng kể. Philippines tăng trưởng 8,6% trong năm qua, đóng góp 25,3% vào GDP của nước này và có đến 10 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch.
Chủ tịch WTTC, bà Gloria Guevara cho biết: Báo cáo EIR của WTTC đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành Du lịch và Lữ hành trong việc thúc đẩy nền kinh tế, tạo việc làm và mang lại những hiệu ứng tích cực cho nhiều chuỗi cung ứng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay có tới 48 triệu việc làm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang bị đe dọa, trên tổng số 75 triệu của toàn thế giới. Các chính phủ thực sự cần trợ giúp và bảo vệ lĩnh vực này, khi nó đang phải chiến đấu vì sự sống còn.
HN