Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Văn Dũng: Doanh nghiệp mong nhận được sự chung tay của các địa phương, cơ quan quản lý…
Trong thời đại công nghệ, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, quảng bá là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư rất tốn kém, cần nguồn lực, vật lực lớn, điều này là hết sức khó khăn với các doanh nghiệp bởi sau 02 năm dịch bệnh, nội lực của các doanh nghiệp đều bị giảm sút nghiêm trọng, để các doanh nghiệp tự bỏ tiền đầu tư hệ thống CNTT tiên tiến là điều rất khó trong thời điểm này, vì thế mong Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng cục Du lịch đứng chủ trì triển khai hệ thống dùng chung cho ngành sau đó chia sẻ để các doanh nghiệp có thể cập nhật dữ liệu lên hệ thống và cùng khai thác, tránh như hiện nay các doanh nghiệp đều đang khai thác nhỏ lẻ, khó tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy du lịch Việt Nam có bước phát triển đột phá.
Bên cạnh hệ thống CNTT cho các đơn vị du lịch, các cơ quan quản lý cũng cần được đầu tư nâng cấp các hệ thống công nghệ để thông minh, nhanh hơn cho các công việc như quản lý xuất nhập cảnh, cấp visa, hộ chiếu để có thể xác định, định danh được du khách một cách nhanh chóng. Tiếp đến, trong việc xây dựng sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến với nước ta, cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành và các đơn vị du lịch. Chúng ta cần xây dựng sản phẩm du lịch theo vùng, theo khu vực để lưu giữ được du khách lưu trú dài ngày hơn, cụ thể như xây dựng sản phẩm du lịch cho khu vực đồng bằng Bắc bộ, khu vực Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc... thành các gói sản phẩm trọn gói, tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch ẩm thực... rất mong nhận được sự chung tay của các địa phương với doanh nghiệp.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group): Cần kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch…
Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) có 1 số kiến nghị tại Hội nghị như sau:
Thứ nhất: Kiến nghị kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của Chính phủ, sự liên kết phối hợp của các Bộ, Ngành nhanh chóng phục hồi, phát triển ngành Du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ hai: Cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá tiếp thị quốc tế quy mô lớn, cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó tiêu biểu là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 vừa được ban hành đầu tháng 3/2023 thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả với ngân sách tương ứng. Tập trung mang đến cho khách quốc tế thông tin, thông điệp điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, khác biệt. Rất cần vai trò thuyền trưởng của Chính phủ, sự triển khai của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, sự hợp lực tham gia của các địa phương, các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại các nước, của cộng đồng doanh nghiệp. Cần sớm có kế hoạch quảng bá tiếp thị cụ thể hàng năm cho từng thị trường, có tính khác biệt, phù hợp thế mạnh du lịch Việt Nam; sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội có tính tương tác cao, tốc độ lan tỏa sâu rộng nhằm triển khai các chương trình quảng bá tiếp thị tập trung. Cần kết hợp tổ chức các chiến dịch quảng bá điểm đến Việt Nam chất lượng, hấp dẫn thông qua các sự kiện quốc tế quy mô lớn…
Thứ ba: Cần thiết tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch dành cho khách quốc tế trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp như lữ hành, hàng không, lưu trú, các đối tác phân phối lớn trong các hoạt động marketing du lịch; giữa doanh nghiệp và cơ quản lý nhà nước nhằm tạo ra các chính sách giá thuận lợi nhất cho du khách quốc tế nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, bảo đảm hấp dẫn du khách; tăng cường quảng bá tiếp thị trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm và các thị trường mới. Đặc biệt, đối với các thị trường Đông Bắc Á bắt đầu mở cửa phục hồi như Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho du khách Trung Quốc theo đoàn từ ngày 15/3/2023 - là thị trường trọng điểm đối với du lịch theo đường hàng không, đường bộ, đường biển theo các chuyến du lịch tàu biển cao cấp, các chuyến bay charter... Các sản phẩm du lịch cần đi vào chiều sâu trên cơ sở liên kết nhiều đơn vị với nhau tạo ra chuỗi giá trị hấp dẫn, đặc biệt chú trọng khai thác, phát huy văn hóa bản địa. Công tác liên kết, quảng bá cần chú trọng tăng cường khai thác du lịch cao cấp quốc tế khách du lịch MICE đến Việt Nam với các sự kiện lớn…
Cần tạo ấn tượng mạnh về chương trình kích cầu quy mô lớn của Việt Nam dành cho khách quốc tế trên cơ sở tham gia thực chất từ các doanh nghiệp và sự hỗ trợ về chính sách từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ tư: Chú trọng áp dụng công nghệ số trong công tác quảng bá, truyền thông xúc tiến du lịch, đặc biệt đối với du lịch quốc tế, du lịch thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới sẽ tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả trong việc quảng bá tiếp thị sản phẩm của ngành du lịch. Việc đầu tư công nghệ số cần đồng bộ với công tác đào tạo, huấn luyện; cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu thống kê du lịch Việt Nam về thị trường, đối tượng, nhu cầu thị hiếu, mục đích chuyến đi, mức độ chi tiêu, độ dài lưu trú… và đẩy mạnh tuyên truyền du lịch Việt Nam với nội dung đa dạng, liên tục cập nhật trên nền tảng mạng xã hội để kể “Câu chuyện du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn” đối với du khách quốc tế.
Thứ năm: Tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tổ chức truyền thông quốc tế, các nhân vật nổi tiếng quốc tế trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tham gia các chương trình famtrip, presstrip theo thị trường, theo đối tượng du khách, trực quan sinh động tại Việt Nam, đặc biệt trải nghiệm các tuyến điểm du lịch mà Việt Nam muốn tạo điểm nhấn khác biệt trong năm 2023. Tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành liên quan để quảng bá thương hiệu quốc gia và du lịch Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác, kết nối quốc tế trong các hoạt động quảng bá du lịch, đặc biệt trong liên kết hợp tác ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong..., nhằm thu hút du khách đến từ các nước trong khu vực.
Thứ sáu: Cần duy trì và tăng cường công tác truyền thông, liên tục cập nhật tin tức, sự kiện quan trọng, chính sách mới nhất liên quan du lịch Việt Nam như chính sách, quy định về xuất nhập cảnh trên tất cả các kênh như website, mạng xã hội, qua đó góp phần thuận lợi thu hút khách quốc tế. Tổ chức các Hội nghị/Hội thảo quốc tế cấp quốc gia chuyên đề về Du lịch Việt Nam để trao đổi, đề ra giải pháp đối với các điểm nghẽn của du lịch Việt Nam, biện pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam với các chương trình hành động cụ thể.
Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: Đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm…
Du lịch Việt Nam cần xác định đâu là sản phẩm đặc thù, thể hiện nét riêng, và có sự đầu tư đúng mức để thực sự đưa trải nghiệm về sản phẩm đến với du khách.
- Du lịch kinh tế đêm cần được tập trung ở 2 nhóm: (1) nhóm sản phẩm gắn với văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí, và (2) nhóm sản phẩm gắn với các chương trình văn hóa nghệ thuật. Khi nhóm (1) đã và đang được khai thác thì nhóm thứ (2) vẫn thiếu sự chú trọng đầu tư. Việt Nam nên có các chương trình nghệ thuật, show diễn về đêm có chất lượng, và chiều sâu về văn hóa, vì văn hóa là linh hồn của các sản phẩm du lịch và là sự khác biệt mà du khách luôn hướng tới.
- Cần cải thiện và quy hoạch lại các khu ẩm thực, chợ đêm. Các khu ẩm thực, chợ đêm cần được đầu tư và quy hoạch bài bản, đảm bảo 3 yếu tố, vệ sinh thực phẩm, an toàn thân thiện và đặc biệt phải mang văn hóa của địa phương. Các tuyến phố ẩm thực đang dần được hình thành nhưng vẫn còn thiếu tính địa phương, hầu hết vẫn mang tính đặc trưng của các quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà thiếu đi nét đặc trưng vùng miền của Việt Nam.
Cần xác định nguồn khách du lịch để thực hiện công tác sản phẩm phù hợp
- Cần xác định rõ thị trường nguồn đối với nguồn khách du lịch của Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng, qua đó lập một chiến lược sản phẩm phù hợp. Thị hiếu của du khách đối với từng thị trường là khác nhau, nếu du khách Châu Á tập trung nhiều vào nhóm nghỉ dưỡng và mua sắm, thì du khách Âu - Mỹ lại tập trung nhiều hơn vào nhóm sản phẩm trải nghiệm và văn hóa bản địa. Như vậy, các công tác xúc tiến sản phẩm du lịch Việt Nam tại nước ngoài sẽ chính xác và thiết thực hơn.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung và thiết thực hơn
- Việc phục hồi sau đại dịch đối với các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn đặc biệt là các khó khăn về tài chính. Các cơ chế chính sách vẫn mang tính tạm thời và thiếu bền vững, ví dụ như việc áp dụng mức thuế GTGT 8%, chỉ áp dụng trong năm 2022, khi ngành Du lịch dự kiến chỉ hồi phục đạt mức trước dịch (2019) vào năm 2024. Các chính sách hỗ trợ về tài chính vẫn còn nhiều bất cập, việc tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ tài chính vẫn còn khó khăn, dẫn đến việc hồi phục của ngành vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Tổng Giám đốc Tập đoàn VinGroup Nguyễn Việt Quang: Phát triển các sản phẩm mới hấp dẫn, đẳng cấp đón đầu đa dạng nhu cầu mới của du khách là điều kiện tiên quyết…
Chúng tôi cho rằng, để hiện thực hóa cam kết mang đến dịch vụ đẳng cấp, trải nghiệm xuất sắc thì việc không ngừng phát triển các sản phẩm mới kết hợp nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - khám phá - thể thao hấp dẫn, đón đầu đa dạng nhu cầu mới của du khách chính là điều kiện tiên quyết.
Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn hậu COVID, Vinpearl đã tiên phong nâng cấp và xây dựng tiêu chuẩn dịch vụ đẳng cấp quốc tế, không chỉ đảm bảo chất lượng 5 sao cho du khách quốc tế mà còn đáp ứng nhu cầu trải nghiệm dịch vụ cao cấp đang ngày càng gia tăng của du khách nội địa. Song song với đó, Vinpearl liên tục đầu tư xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm, phát triển và ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, kiến tạo những quần thể all-in-one (một điểm đến - mọi nhu cầu) hấp dẫn sánh ngang với các điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Cụ thể: Đối với lĩnh vực khách sạn - nghỉ dưỡng, Vinpearl liên tục đạt được thoả thuận hợp tác chiến lược với các thương hiệu tên tuổi như Marriott, Mélia… mang đến cho du khách những trải nghiệm dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam. Chúng tôi cũng nhanh chóng đưa ra các sản phẩm mới, đón đầu xu hướng thế giới như: Wellness & Retreat - nghỉ dưỡng phục hồi; Family BeachResort - nghỉ dưỡng biển kết nối gia đình; Golf Stay & Play - chơi golf và nghỉ dưỡng tại resort 5 sao; MICE - hội họp đẳng cấp kết hợp du lịch, khám phá và giải trí...
Trong lĩnh vực vui chơi giải trí, thương hiệu VinWonders liên tục đầu tư nhiều công trình, dàn dựng nhiều show diễn mới đẳng cấp quốc tế. Có thể kể đến: Tàu lặn vô cực 360 độ đầu tiên trên thế giới Vinpearl Submarine và Công viên nước nhiều trò chơi nhất Đông Nam Á tại VinWonders Nha Trang; Cung điện Hải Vương - Thuỷ cung hình rùa lớn nhất thế giới tại VinWonders Phú Quốc; hay các show diễn thực cảnh đa phương tiện quy mô hàng đầu khu vực: “Tata Show”, “Tinh hoa Việt Nam”, “Sắc màu Venice”, “Once”. Trong thời gian tới, VinWonders sẽ tiếp tục ra mắt nhiều sản phẩm quy mô và độc đáo khác như: Rạp phim bay đầu tiên tại Việt Nam; Vinpearl Habour Nha Trang với điểm nhấn Stunt Show - màn trình diễn hành động thực cảnh trên biển đầu tiên trên thế giới.
Trong khi đó, Vinpearl Golf sẽ mang đến trải nghiệm chưa từng có với những sản phẩm hoàn toàn mới, đưa du khách đến với golf tour Việt Nam - Úc.
Bên cạnh chiến lược đầu tư bài bản về sản phẩm và dịch vụ, Vinpearl còn chủ động phát triển các thị trường quốc tế tiềm năng, góp phần tạo động lực mới cho du lịch Việt. Thời gian qua, ngoài các thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, Nga, Trung Quốc... Vinpearl đã bắt đầu khai thác nguồn khách mới từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand... và đạt được những thành tựu khả quan.
Chúng tôi kỳ vọng rằng những nỗ lực đó của Vinpearl nói riêng và các doanh nghiệp nói chung sẽ là sự chung tay hiệu quả để thực hiện thành công những mục tiêu của Chính phủ và ngành Du lịch trong điều kiện bình thường mới, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà: Cần sớm nhất quay về các chính sách visa như trước COVID-19
Các kiến nghị, đề xuất của Vietnam Airlines đối với Chính phủ, cơ quan nhà nước: Tạo lập thị trường và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các thị trường khách quốc tế vào Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh điểm đến về thu hút khách quốc tế.
- Chính sách visa: Trước mắt Việt Nam cần sớm nhất quay về các chính sách visa như trước COVID-19. Tiếp theo đó, Việt Nam cần sớm nghiên cứu nới lỏng và mở rộng chính sách visa, đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia cạnhtranh trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Một số góp ý cụ thể:
+ Việt Nam nên xem xét miễn visa cho du khách Mỹ, Úc, Ấn Độ và toàn bộ các quốc gia EU;
+ Nên áp dụng các chính sách E-visa, visa on arrival thông thoáng hơn cho các nước chưa được miễn visa.
+ Gia hạn thời gian miễn visa lên tối thiểu 30 ngày, hoặc 45 ngày như Thái Lan, cho phép du khách được sử dụng visa nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam thay vì 1 lần như hiện tại, trước mắt ưu tiên cho khu vực Mỹ, châu Âu và Úc - các thị trường khách có tập tính đi du lịch dài ngày.
Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga: Cần tiếp tục mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa vào Việt Nam
Các thị trường Việt Nam cần quan tâm vẫn là châu Á, Đông Nam Á, tiếp đó là châu Âu và châu Mỹ, hiện nay lượng tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam đến từ các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Singapore, Anh, Ấn Độ, vì vậy chúng ta cần tập trung quan tâm đến những thị trường này.
Tạo điều kiện thuận lợi đi lại nhằm thu hút khách quốc tế.
- Tiếp tục hoàn thiện các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh cho khách quốc tế.
- Tiếp tục mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn visa vào Việt Nam, cần nghiên cứu kéo dài thời gian lưu trú của các nước đã được cấp visa.
(Hiện nay chúng ta mới có 24 quốc gia được cấp visa với thời hạn 15 ngày, trong khi đó Thái Lan là 68 quốc gia, thời hạn 45-60 ngày; Singapore thì chỉ 36 quốc gia nhập cảnh phải xin visa.)
- Đẩy mạnh chính sách Visa điện tử, cần cải tiến, nâng cấp phần mềm cấp thị thực điện tử, xem đây là một công cụ thu hút khách du lịch quốc tế….
H. Nguyễn (lược ghi)