
|
Thực tế, trên vùng đất bán sơn địa, tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội chọi trâu đã từng có từ hàng ngàn năm. Sau một thời gian gián đoạn từ năm 1947, tới năm 2002 lễ hội đã được khôi phục và dần trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc mỗi độ xuân về.
Từ 16 tháng giêng khai hội và trận chung kết diễn ra vào ngày 17 tháng giêng. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Theo truyền thuyết, vào một buổi sáng trên bến sông Lô người ta thấy có 2 con trâu trắng đánh nhau, sau đó cả 2 con đều nhảy xuống sông biến mất. Nơi 2 con trâu trắng đánh nhau gọi là bến Ảnh, và làng có tên là Bạch Ngưu nghĩa là trâu trắng.
Tuy mới được khôi phục từ năm 2002 nhưng lễ hội chọi trâu Hải Lựu đã lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều tầng lớp nhân dân. Trâu chọi ở Hải Lựu được nhiều hộ gia đình đóng góp, chọn mua theo kinh nghiệm cổ truyền, rồi giao cho một gia đình có uy tín chăm sóc, huấn luyện, được gọi là "Ông Cầu" (nhiều ý kiến cho rằng chữ "Cầu" ở đây có thể đã phiên âm từ chữ "Ngưu" trong tiếng Hán Nôm).

|
Lừa miếng |
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu diễn ra rất sôi động. Sự quyết liệt như được nhân lên bội phần trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng vạn khán giả. Rồi cuối cùng, trận đấu trên sân cũng kết thúc khi một "Ông Cầu" nhất thời thúc thủ chạy ra ngoài sân đấu.
Ngay từ khi chưa kết thúc giải, những "Ông Cầu" đã thua cuộc ở vòng loại được đưa về giết thịt và bán cho du khách.
Được biết, trong vài năm tới khu vực lễ hội sẽ được quy hoạch, từng bước đầu tư để trở thành một trung tâm lễ hội lớn, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và dịch vụ đa dạng, sân bãi đỗ xe sẽ được xây dựng ở phía ngoài để tránh ách tắc giao thông, xung quanh là khu vực nhà nghỉ và các dịch vụ lễ hội. Một ngôi đình lớn phục vụ mọi nghi thức trước và sau lễ hội sẽ được xây dựng theo kiến trúc truyền thống.
Bài và ảnh: PHẠM LÊ DI