(VTR) - Sáng 25/12/2014, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức họp báo vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Dân ca ví, giặm không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh mà còn là phương tiện nghệ thuật đặc trưng xứ Nghệ để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014 tại Paris, Pháp. Để trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã trải qua một quá trình bảo tồn và phát triển lâu dài từ các chương trình dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình; xây dựng phong trào hát dân ca rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân; nhiều hội thi, liên hoan hát dân ca được tổ chức… Hiện trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có gần 100 Câu lạc bộ dân ca ví, giặm cùng 803 nghệ nhân.
Được biết vào 19h30 ngày 31/1/2015, lễ đón nhận bằng công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức long trọng tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.
Ví, giặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: hát lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc quay tơ, dệt vải, đi củi, trèo non. Vì vậy các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như: ví phường vải, ví phường cấy, ví trèo non, giặm ru, giặm kể… |
PV