Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của các cấp/ngành về vai trò và đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế mỗi quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng thời cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình du lịch ASEAN, khu vực và thế giới thời gian qua, tăng cường hội nhập du lịch trong Cộng đồng kinh tế ASEAN; tình hình triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN MRA-TP trong khu vực cũng như tại Việt Nam; những cam kết hội nhập du lịch của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, hội nhập ASEAN - là một trong những cơ chế hội nhập mà Việt Nam tham gia sâu rộng hướng tới một sự hội nhập toàn diện của cả ba trụ cột chính là: an ninh - chính trị, văn hóa - xã hội và kinh tế. Việc xây dựng Cộng đồng kinh tế AEC được các quốc gia ASEAN xác định là trọng tâm, làm căn cứ thúc đẩy hai trụ cột còn lại. Hội nghị lần này là diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm, nhìn nhận cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình Việt Nam hội nhập, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về con đường hội nhập, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược hoạt động phù hợp và hiệu quả nhằm tận dụng cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Giám đốc Dự án EU-ESRT Vũ Quốc Trí đã trình bày về những hỗ trợ của Dự án EU-ESRT trong tiến trình hội nhập ASEAN của Du lịch Việt Nam. Để tăng cường năng lực cạnh tranh du lịch marketing và quảng bá xúc tiến, Dự án đã triển khai các hoạt động bao gồm phát triển sản phẩm, quản lý điểm đến, phát triển nguồn nhân lực, sửa đổi Luật Du lịch, hình thành Hội đồng Tư vấn Du lịch và các đóng góp của hội đồng, triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề Du lịch (MRA) và hội nhập ASEAN. Dự án cũng đã triển khai các hoạt động thực hành nguyên tắc du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam, nâng cao sự tham gia của cộng đồng trong việc thay đổi môi trường và khí hậu. Trong thời gian tới, Dự án EU-ESRT đề xuất tiếp tục phổ biến và sử dụng tài liệu “Hướng dẫn xây dựng chính sách du lịch có trách nhiệm” như một nền tảng cơ bản để biến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Tại hội nghị các đại biểu đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về cơ hội, thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế thời gian tới (gắn với các cam kết về du lịch của Việt Nam trong WTO, TPP và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN). Các ý kiến lo ngại về vấn đề cạnh tranh sản phẩm du lịch, quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động khi tham gia hội nhập; cần có cơ quan thẩm định và cấp chứng chỉ nghề chung cho các cơ sở đào tạo...
Theo ý kiến tư vấn của các chuyên gia Dự án EU-ESRT, thách thức đối với việc hội nhập ASEAN của Du lịch Việt Nam là phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, thậm chí còn chủ quan, thiếu sự chuẩn bị và chưa sẵn sàng về năng lực để hội nhập. Bên cạnh đó, sự chậm trễ do chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước về đào tạo nghề theo Luật việc làm cũng như hạn chế trong việc tìm được sự đồng thuận giữa các Bộ, Ngành liên quan đã gây cản trở đáng kể đối với ngành Du lịch.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên qua việc triển khai các hoạt động hợp tác du lịch chung ASEAN; chủ động đề xuất sáng kiến và hoạt động hội nhập du lịch ASEAN trên cơ sở thế mạnh của du lịch Việt Nam; sớm giải quyết những điểm yếu nội tại, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách và vấn đề mang tính liên ngành. Bên cạnh đó, có sự chuẩn bị tốt nhất ứng phó với những khó khăn thách thức của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường phối hợp công tư các bên liên quan trong việc triển khai hội nhập du lịch. Đối với doanh nghiệp cần có sự đầu tư, cần nắm bắt các cơ hội, vượt lên thách thức, chủ động không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo yêu cầu đặt ra đã xác định qua chiến lược phát triển du lịch ASEAN.
ASEAN đang là một khu vực năng động và đầy tiềm năng với dân số khoảng 600 triệu người, tài nguyên du lịch phong phú và một môi trường du lịch thuận lợi cho phát triển. Triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung và du lịch nói riêng của khu vực sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, quá trình hội nhập đang làm gia tăng vị thế cạnh tranh của ASEAN trên toàn cầu và ngành Du lịch được xem như là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thịnh vượng chung của toàn khu vực. |
Thanh Hiền