Việc các đài truyền hình trong khu vực quan tâm đến vấn đề bản quyền truyền hình SEA Games 31 cho thấy kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam lần này nhận được sự quan tâm rất lớn của khán giả các nước.
Vấn đề bản quyền truyền hình SEA Games 31 đã trở thành chủ đề được quan tâm tại Hội nghị Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) diễn ra ngày 8/4/2022 với sự tham dự của 100 đại biểu các nước thành viên SEAGF. Ngoài việc thông qua biên bản phiên họp của SEAGF tổ chức ngày 7/12/2021 cùng báo cáo của các ban chức năng, cập nhật tiến độ triển khai các công việc chuẩn bị SEA Games 31 tại Việt Nam; báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 32 tại Campuchia; xác định chủ nhà đăng cai các kỳ SEA Games 33, 34 và 35; vấn đề đối xử công bằng với phụ nữ trong thể thao; công tác chuẩn bị kiểm tra doping tại SEA Games 31, 32, vấn đề bản quyền truyền hình tại SEA Games đã nhận được nhiều ý kiến của các quốc gia.
Theo Điều lệ SEA Games, bản quyền truyền hình SEA Games trên lãnh thổ của Ủy ban Olympic quốc gia nào sẽ là sở hữu độc quyền của Ủy ban Olympic quốc gia đó; đồng thời bản quyền truyền hình được cung cấp miễn phí cho các đài truyền hình quảng bá của các nước trong khu vực theo đăng ký của Ủy ban Olympic các nước.
Trước thông tin nhiều đài truyền hình trả phí của một số quốc gia Đông Nam Á hỏi về bản quyền truyền hình SEA Games 31 phát trên tất cả các hạ tầng, Ủy ban Olympic Việt Nam đã đề xuất với SEAGF không thu phí bản quyền truyền hình đối với truyền hình trả phí, dịch vụ truyền thông cung cấp trực tiếp cho người dùng qua internet tại SEA Games 31. Việc cấp phép phát sóng SEA Games ở lãnh thổ của mỗi nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban Olympic quốc gia chủ nhà và Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á.
P.V