Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Du lịch CLMV lần thứ 3 và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS lần thứ 2
Một trong những mục đích chính của chuyến đi nhằm thúc đẩy vấn đề liên kết quảng bá xúc tiến và phát triển sản phẩm du lịch khu vực, nhanh chóng phục hồi tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặt cơ sở cho sự phát triển bền vững.
Liên kết khu vực đã trở thành yêu cầu quan trọng đối với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực ACMECS nói chung. Thái Lan hiện nay vừa là điểm đến hàng đầu trong khu vực (24,8 triệu lượt năm 2014), vừa là cửa ngõ, điểm trung chuyển khách du lịch từ nước thứ 3 đến khu vực. Tuy nhiên, điểm đến Thái Lan đã trở nên rất quen thuộc với nhiều thị trường. Trong những năm qua, Thái Lan đã chủ động quảng bá Thái Lan cùng các điểm đến khác trong khu vực để tăng sức hấp dẫn cho du lịch trong nước. Đồng thời, đối với Việt Nam, việc kết hợp với các điểm đến khác ở Campuchia và Lào đã trở nên phổ biến, đặc biệt đối với các hãng hàng không.
Ngoài ra, hợp tác giữa các nước cũng tạo điều kiện thúc đẩy du lịch nội khối. Ví dụ, đối với Campuchia, khách du lịch từ Việt Nam năm 2014 chiếm 20% với gần 906.000 lượt; đối với Lào, năm 2014, khách du lịch từ Thái Lan chiếm 49% với hơn 2 triệu lượt, từ Việt Nam chiếm 27% với hơn 1,1 triệu lượt; đối với Myanmar, năm 2014, khách trong ngày qua biên giới chiếm 63% với hơn 1,9 triệu lượt, khách du lịch từ Thái Lan chiếm 6% với gần 200.000 lượt.
Về hợp tác Việt Nam - Thái Lan, ngoài việc tăng cường quảng bá lẫn nhau trong các chương trình du lịch của mỗi nước, hai bên thống nhất sẽ cùng tổ chức các đoàn doanh nghiệp du lịch và báo chí từ thị trường nguồn đến khảo sát các điểm du lịch của hai nước; cùng tham gia các sự kiện xúc tiến chung tại thị trường nguồn; liên kết phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch đánh golf, du lịch đường biển, du lịch đường sông, du lịch kết nối các di sản…
Đối với hợp tác chung Việt Nam – Thái Lan – Campuchia, các bên thống nhất thúc đẩy liên kết sản phẩm du lịch đường biển kết nối Phú Quốc, các điểm đến tại bờ biển phía Nam Campuchia và Thái Lan. Dự kiến cuối tháng 8/2015, các bên sẽ tiếp tục gặp để trao đổi cụ thể về các kế hoạch hợp tác này. Ngoài ra, tuyến du lịch đường sông kết nối TP. Hồ Chí Minh, qua đồng bằng sông Cửu Long, sang Phnôm Pênh, đến Siem Riep cũng là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai bên.
Đối với hợp tác Việt Nam – Lào – Thái Lan, các bên thống nhất tăng cường thúc đẩy các chương trình du lịch qua biên giới, kết nối từ Đông Bắc Thái Lan, qua Lào, vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo và đường 9.
Với Myanmar, Việt Nam và Myanmar cùng thống nhất thúc đẩy các tuyến du lịch kết nối trực tiếp qua đường bay thẳng giữa hai nước.
Trong khuôn khổ hợp tác chung, các bên thống nhất sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm chung “Con đường kết nối các nền văn minh/Trail of Civilizations” và Hành lang Bagan – Chiang Mai – Luangprabang – Vientiane – Siem Riep – Huế; tổ chức các đoàn doanh nghiệp du lịch và báo chí và các chương trình quảng bá chung các nước trong khu vực.
Hải Minh