Nằm ở vùng biển của TP. Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), vịnh Hạ Long là nơi chứa đựng những dấu tích quan trọng về quá trình hình thành và phát triển của trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ và được xem là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên.
Vịnh có tổng diện tích 1.553 km2, bao gồm 1.969 đảo đá muôn hình vạn trạng, trong đó 980 đảo chưa có tên và 989 đảo có tên. Trong lòng các đảo đá là hệ thống hang động vô cùng kì thú được ví như những lâu đài của tạo hóa giữa chốn trần gian. Vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.
Với những giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mĩ, địa chất, địa mạo, vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và 2000. Vùng Di sản được thế giới công nhận có 775 đảo nằm trải rộng trên diện tích 434km2 như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông).
Ẩn mình trong dãy núi đá vôi của vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1991 bởi ông Hồ Khanh - một người dân địa phương. Tháng 4/2009, hang chính thức được khám phá bởi đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.
Hang Sơn Đoòng được hình thành cách đây khoảng 2-5 triệu năm, khi nước sông chảy ngang qua vùng núi đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy, tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày thành các vòm hang khổng lồ. Hang dài gần 9km, bề ngang rộng 200m, có nơi lên đến 250m, cao hơn 200m và có 2 cửa vào. Đi sâu vào trong hang, du khách sẽ thấy vô số đại thạch nhũ, nhất là những cột nhũ đá cao tới 70m. Đặc biệt, tại một điểm mà các nhà thám hiểm gọi là vườn địa đàng, du khách sẽ bắt gặp một cánh rừng nhiệt đới kì vĩ, chan hòa ánh sáng với màu xanh ngút ngàn của cỏ cây và nhiều loài động vật như: chim, rắn, sóc, khỉ. Một dòng sông ngầm chảy qua lòng hang dài khoảng 2,5km. Dòng chảy của con sông đã mang đến những chiếc vỏ sò, tích tụ thành lớp trên lòng sông. Cách vườn địa đàng không xa còn có “bộ sưu tập ngọc trai” khổng lồ bao gồm hàng vạn hòn đá tròn, nhỏ nằm lẫn giữa các kẽ đá trong lòng những chiếc ao cạn. Cứ vào mùa mưa, tinh thể canxi trong nước lại bao bọc những hạt cát nhỏ để tạo thành những “viên ngọc trai” khổng lồ, tô điểm thêm cho vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động này.
Được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, rừng ngập mặn Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn, bao gồm quần thể 150 loài thực vật, 744 loài động vật, 130 loài chim và 130 loài cá. Trong vùng lõi của rừng ngập mặn Cần Giờ - nơi hội tụ những khoảng rừng đẹp và giá trị nhất, TP. Hồ Chí Minh đã cho đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Vàm Sát và nhiều điểm tham quan như: trại nuôi cá sấu, đầm dơi, sân chim, tháp Tang Bồng, vườn sưu tập thực vật cùng nhiều trò chơi câu cá sấu, bơi thuyền thúng, thuyền chèo, thả lưới chài cá, rập cua, cất vó cá và nướng cá ăn tại chỗ...
Cần Giờ là lá phổi xanh của TP. Hồ Chí Minh và được các chuyên gia đánh giá là nơi được khôi phục, chăm sóc, bảo vệ thuộc loại tốt nhất ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Đây cũng là địa điểm lý tưởng phục vụ du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Ngày 21/1/2000, UNESCO đã công nhận Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Danh sách 27 kỳ quan thiên nhiên đẹp ngỡ ngàng ở châu Á theo bình chọn của Smarter Travel: vịnh Hạ Long (Việt Nam), Longdong (Đài Loan), đồi Chocolate (Philippines), vách đá Flaming ở sa mạc Gobi (Mông Cổ), bãi đá Marble (Ấn Độ), thác nước Thi Lo Su (Thái Lan), công viên rừng tự nhiên Zhangjiaje (Trung Quốc), ốc đảo Al-Hasa (Arab Saudi), rặng san hô Tubbataha (Philippines), núi và hang động karst ở Quế Lâm (Trung Quốc), vườn quốc gia Puerto Princesa Subterranean (Philippines), núi Kelimutu (Indonesia), vườn quốc gia Komodo (Indonesia), thác nước Kuang Si (Lào), thung lũng Geysers (Nga), hồ Okama (Nhật Bản), vách đá Tojinbo (Nhật Bản), hồ Lonar Crater (Ấn Độ), hang Sơn Đoòng (Việt Nam), đường hầm Manjanggul Lava (Hàn Quốc), đền Ta Prohm (Campuchia), hẻm núi Tiger Leaping (Trung Quốc), vườn quốc gia Gunung Mulu (Malaysia), các khu rừng đá (Trung Quốc), hẻm núi Taroko (Trung Quốc), di tích Lion’s Rock (Sri Lanka), Cần Giờ (Việt Nam).
Nguồn: www.vietnamtourism.com