Tướng Anang Iskandar - người đứng đầu Cơ quan chống ma túy quốc gia Indonesia cho biết: hội thảo là một trong những hoạt động được triển khai trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và ASEAN+3 trong cuộc đấu tranh chung chống buôn bán ma túy ở mỗi nước, trong khu vực và trên toàn cầu, đã được các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết và nhất trí đưa ra trong “Tuyên bố về một ASEAN không ma túy” vào năm 2015.
Thời hạn để hoàn thành mục tiêu này chỉ còn 2 năm, nên ASEAN và các nước đối tác đang trong giai đoạn quan trọng nhằm hoàn thiện các điều khoản tham chiếu cho lực lượng đặc biệt đảm nhận nhiệm vụ ngăn chặn ma túy tại sân bay của ASEAN+3.
Theo bà Khine Myat Chit - quan chức cấp cao Ban Thư ký ASEAN, ASEAN đã thành lập lực lượng đặc nhiệm chống buôn bán ma túy từ năm 1997, nhưng ngày càng có nhiều loại ma túy tổng hợp nguy hiểm hơn, nên việc tăng cường hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước khác để đối phó với vấn nạn này là một đòi hỏi tất yếu.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, tìm kiếm các biện pháp tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả ngăn chặn, cắt đứt buôn bán và vận chuyển các chất ma túy và tiền ma túy qua đường hàng không tại các sân bay giữa các nước ASEAN+3.
Bên cạnh đó, Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc mới đây tổ chức tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar đã ra Tuyên bố Nay Pyi Taw về hợp tác phòng chống buôn bán ma túy. Tuyên bố Nay Pyi Taw bày tỏ sự hài lòng về những nỗ lực to lớn mà 6 nước đạt được thông qua hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ những cơ chế hợp tác quốc tế, khu vực, tiểu khu vực cũng như song phương về phòng chống buôn bán ma túy. Tuyên bố cũng lưu ý rằng tình trạng sản xuất và sử dụng những chất kích thích như amphetamine ngày càng tăng cũng như diện tích trồng thuốc phiện bị mở rộng đang phá hoại sự phát triển của khu vực, đồng thời cảnh báo sự kết hợp giữa buôn bán ma túy và những dạng tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác là mối đe dọa đặc biệt đến ổn định và trật tự luật pháp ở các khu vực biên giới.
Sáu nước một lần nữa khẳng định quyết tâm vượt qua vấn nạn ma túy ở khu vực Đông Á, nỗ lực loại bỏ vấn đề này trong khu vực bằng việc tăng cường hợp tác xuyên biên giới, đẩy mạnh các chương trình phát triển thay thế và chia sẻ kinh nghiệm trong việc ngăn chặn hành vi sử dụng ma túy, cai nghiện ma túy và các bài học giáo dục nhận thức trong cộng đồng.
Đỗ Thu