Các đại biểu tham dự chương trình
Với sự có mặt của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo phụ trách du lịch của địa phương và các doanh nghiệp lữ hành - những người trực tiếp làm du lịch, buổi tọa đàm là dịp để các bên cùng trao đổi, nhìn thẳng vào vấn đề để từ đó tìm ra tiếng nói chung, đóng góp những đề xuất, giải pháp nhằm đưa ngành Du lịch vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay.
Tại chương trình, các đại biểu đã phân tích một số những điểm yếu, hạn chế của Du lịch Việt Nam hiện nay. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Hoàng Văn Kiên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến các địa phương thường gặp nhiều khó khăn khi cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng… chưa đáp ứng được với nhu cầu của du khách, bên cạnh đó công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh vấn đề vệ sinh môi trường, chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch chưa được đảm bảo tại nhiều địa phương cũng làm suy giảm năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Du lịch Việt Nam, các đại biểu nhất trí cho rằng những chính sách liên tiếp của Chính phủ trong thời gian gần đây như Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 về một số giải pháp thúc đẩy phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, chính sách mở rộng diện miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu và Belarus… đều là những quyết sách đúng đắn, tuy nhiên để những chính sách này được triển khai toàn diện, hiệu quả và tạo chuyển biến thực sự trong thực tế cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự chung tay của toàn thể cộng đồng người dân. Theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn và Phó Tổng giám đốc Vietravel Hà Nội Nguyễn Lê Hương, để cải thiện môi trường du lịch Việt Nam ngày càng an toàn, thân thiện; mỗi người dân cần được nâng cao nhận thức, lòng tự hào về quê hương, đất nước; từ đó có thái độ thân thiện với khách du lịch cũng như có ý thức tự giác đấu tranh với những cái xấu như chèn ép du khách, tự ý nâng giá sản phẩm, dịch vụ…; cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cũng nhấn mạnh: hiệu quả kinh tế - xã hội mới là mục tiêu thật sự của ngành Du lịch, chứ không phải chỉ ở số lượng khách. Các doanh nghiệp là nhân tố quyết định sự phát triển của ngành Du lịch; trong đó có những doanh nghiệp lớn, những nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm, cơ sở hạ tầng du lịch; qua đó tạo đà phát triển cho địa phương và các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.
HN