Chùa Phước Hậu có mặt trước giáp sông Hậu, mặt sau giáp với Quốc lộ 54 rất tiện giao thông đường thủy lẫn đường bộ. Từ khi có sự xuất hiện của quần thể những tảng đá khắc những bài kinh nên ngôi chùa ở vùng quê này thu hút rất nhiều phật tử, du khách đến chiêm ngưỡng.
Thượng tọa Thích Phước Cẩn, Trụ trì chùa Phước Hậu kể lại: “Năm 2014, tôi được phật tử mời đi Myanmar du lịch. Qua bên đó được ngắm nhiều ngôi chùa đẹp, đặc biệt những phiến đá khắc kinh rất độc đáo mà các chùa ở Việt Nam không có. Khi về tôi nghiên cứu tìm cách khắc những bài kinh bằng tiếng Việt lên phiến đá”.
Theo Thượng tọa Phước Cẩn, từ ý tưởng ban đầu đến việc thự hiện vô cùng khó khăn từ việc chọn nguyên liệu đá, cách bày trí đến chọn loại kinh nào để dịch ra tiếng Việt. Hòa thượng Phước Cẩn cho biết: “Khi bắt đầu thực hiện nhiều phật tử là kiến trúc sư, nhà mỹ thuật góp ý, đưa ra ý tưởng để bày trí sao cho khoa học, đẹp mắt. Sau đó tôi quyết định làm vườn kinh pháp cú là tinh hoa của Phật giáo do cố Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng viện Đại học Phật giáo Việt Nam, dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt”.
Vườn kinh pháp cú gồm 213 phiến đá màu xanh kích thước 0,4x0,6m, khắc 423 bài kinh trên 2 mặt, ngoài ra còn có một bài thơ nói về đại ý của bộ kinh pháp cú, 1 bài nói về công hạnh của người tu, phật tử và một phiến đá khắc hình Hòa thượng Thích Minh Châu. Các phiến đá đều được mua từ tỉnh đồng nay chở về chùa sau đó được chạm khắc rất công phu.
Tất cả 213 phiến đá được sắp xếp theo hình 8 lá bồ đề tượng trưng cho bát chánh đạo. Sau vườn kinh pháp cú, nhà chùa quyết định làm thêm vườn kinh A di đà và kinh Bắc truyền trích diễm.
Thượng tọa Thích Phước Cẩn cho biết: “Trong 3 vườn kinh đều mang ý nghĩa riêng, trong đó thiên liêng nhất có lẽ là vườn kinh A di đà với 31 phiến đá khắc kinh được bố trí theo hình chữ S của nước Việt Nam, ở giữa chữ S được trồng sen đưa đưa về từ vùng Đồng Tháp. Ngài ra, còn có phiên đá được sắp xếp đúng vị trí tượng trương cho các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc. Đây là lãnh thổ thân thương của tổ tiên để lại mà người việt nam chúng ta cần ghi nhớ khi sống trên mảnh đất này”.
Điều đặc biệt, một số phiến đá còn khắc thêm tiếng Anh kế bên tiếng Việt để khách du lịch nước ngoài hiểu được, hình dung ra được khi đến đây tham quan. Đồng thời còn nhiều phiến đá khắc chữ tâm, nhẫn, những bài răn dạy của đạo Phật rất độc đáo…
Nhiều du khách đến đây rất thích thú như đi lạc vào khi vườn được bày trí những tảng đá rất đẹp mắt, mang giá trị nghệ thuật rất cao. Nơi đây bắt đầu thu hút nhiều khách du lịch đến đây chiêm bái, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật từ đá ngay giữa vùng sông nước Cửu Long.
Nguồn: dantri.com.vn