Du lịch miền Tây mùa nước nổi, nhất định không thể bỏ qua Rừng Tràm Trà Sư. Nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh ngăn ngắt với những hàng cây tràm thẳng tắp, dưới nước là lớp bèo cám xanh nõn bình yên, dịu dàng quá đỗi.
Đến đây, bạn sẽ được trải nghiệm di chuyển trên chiếc ghe nhỏ, rẽ sóng đạp nước di chuyển một cách nhẹ nhàng giữa những hàng cây tràm tĩnh lặng, ngắm những bông điên điển rực rỡ sắc vàng hay thích thú chiêm ngưỡng cảnh tượng từng đàn chim đậu trắng cả ngọn cây...
Ấn tượng không kém là biệt thự của công tử Bạc Liêu xây dựng năm 1919 do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Đây là căn nhà to đẹp nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Dù đã trăm năm trôi qua, ngôi nhà vẫn giữ được vẻ đẹp sang trọng vốn có và sự xa hoa bậc nhất của Trần gia.
Trong khi đó, chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc, chùa Mahatup, ở Sóc Trăng), một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng lại mang vẻ kỳ bí với những bầy dơi treo mình trên khắp những tán cây trong khuôn viên chùa.
Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là một điểm đến nổi tiếng nhất và cũng hấp dẫn bậc nhất của miền Tây mùa nước nổi. Với hàng trăm ghe thuyền buôn bán ngày đêm xuôi ngược, Cái Răng là địa danh mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu, khám phá nét văn hóa du lịch sông nước miền tây của người dân Cần Thơ trên dòng sông Hậu hiền hòa.
Nếu đã đến miền Tây thì bạn cũng đừng bỏ qua đến ẩm thực nơi đây. Điển hình là món lẩu cá linh bông điên điển. Cá linh béo tròn, tươi rói cùng các loại rau mơn mởn và bông điên điển tạo nên vị ngọt lịm, thơm ngào ngạt và vô cùng bắt mắt.
Món bánh xèo bông điên điển thì ngon, lạ vô cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa, thịt ba rọi, tép, bông điên điển thanh mát kết hợp cùng đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều giòn giòn.
Cá lăng kho khóm cũng là một trong những đặc sản không nên bỏ lỡ ở miền Tây vào mùa nước nổi. Vị béo, ngọt, thơm ngon của cá quyện vị chua chua của khóm và thơm lừng của cơm trắng đánh thức mọi giác quan.
Nguồn: dulich.petrotimes.vn