Ông nhớ từ cái gốc duối cổ thụ đầu làng, những ngày hè nồng nực, người làng ông đi làm đồng hay về dưới gốc cây này ngồi nghỉ, chuyện trò râm ran; rồi đến cái giếng nước trong văn vắt, thả những súng, những sen, đến mùa hoa nở đỏ rực, hương thơm ngan ngát. Ông nhớ cả cái cổng làng bề thế, rêu phong, uy nghi mà hiền từ như lòng mẹ, luôn mở rộng để đón những người con trở về.

Vượt cả trăm dặm đường về đến quê, lòng ông bổi hổi bồi hồi. Ông cứ tưởng tượng ra cảnh mình như được trẻ lại đến vài chục tuổi, bước trên con đường gạch nghiêng mát rượi bàn chân… Nhưng về đến cổng làng, ông lại ngỡ ngàng, chẳng còn nhận ra làng cũ nữa. Quê ông giờ đã thành làng văn hóa, cái cổng làng cũng trở thành di tích được gắn biển, người ta sơn vẽ, tôn tạo rồi xây gạch quây kín lấy các lối ra vào, đặt barie để thu tiền khách tham quan. Con đường gạch đỏ cũng chẳng còn nữa, người ta phải mở rộng, phải bê tông hóa để xe ô tô chở khách có thể vào thẳng giữa làng, cái giếng đầy hoa sen, hoa súng bên cạnh vì thế mà cũng bị thu hẹp lại. Cây duối cổ thụ cũng bị quây lại bởi hàng rào gạch, tách biệt hẳn với chiếc cổng làng, mối liên hệ như tự ngàn năm bỗng dưng bị chia tách, cành lá như rủ xuống, lòa xòa, buồn rười rượi.
Quê ông giờ khác quá! Cái quán nước nhỏ của bà lão Cầm đã được thay thế bởi một quán karaoke có đèn màu nhấp nháy, còn bà lão chắc đã khuất núi lâu rồi. Càng đi, lòng ông lại càng trĩu nặng, ngổn ngang nhiều nỗi. Nét cũ, người xưa chẳng còn gặp lại. Thật lạ, dưới chân ông, hơi đất mẹ vẫn tỏa lên lành mát, nhưng nét cười lại chẳng thể khoan khoái như xưa.
Phương Lê
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)