Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45km, Đường Lâm là vùng đất có từ xa xưa để chỉ 9 làng cận kề nhau, thuộc tổng Cam Giá Thịnh, huyện Phúc Thọ, trấn Sơn Tây. Đến nay, không gian làng cổ Đường Lâm được ghi nhận gồm những làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm, thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Nơi đây, người dân vẫn cùng nhau gìn giữ, bảo tồn nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nền văn minh văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và châu thổ sông Hồng đã tồn tại bao đời nay.
Về Đường Lâm là về với không gian văn hóa nông thôn truyền thống của người Việt, với những ngôi nhà mái ngói mộc mạc, đình làng nhộn nhịp ngày hội, phiên chợ quê với thúng mủng, bánh trái đơn sơ, cảnh những người nông dân sớm hôm cày cuốc trên đồng… Đó là những thước phim tư liệu sống động hiện hữu trước mắt du khách chứ không phải chỉ nghe qua lời kể của những thế hệ đi trước.
Độc đáo và đáng quý nhất là những ngôi nhà cổ, có tuổi đời lên tới 400 năm với nhiều giá trị kiến trúc truyền thống vẫn còn được người dân gìn giữ, là không gian sinh hoạt của những gia đình ở đây. Theo thống kê, Đường Lâm có tới gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó nhiều nhất là ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Tuy được làm theo lối kiến trúc xưa, nhưng những công trình nơi đây vẫn có những nét tinh tế riêng.
Đá ong là nguyên vật liệu để xây các công trình ở Đường Lâm, từ nhà ở, tường vách hay giếng nước. Các ngôi nhà cổ này đều được xây bằng đá ong, từ cổng vào, tường vách đều đồng màu đỏ vàng nổi bật hẳn lên so với những mái ngói đã nhuộm màu rêu phong. Đặc tính của những ngôi nhà này là luôn ấm về mùa đông nhưng mát mẻ vào mùa hè. Cổng vào nhà có đường nét mềm mại, được một người dân địa phương giải thích đó là hình quai giỏ. Những lối đi trong làng đều lát gạch nghiêng, hai bên tường hoặc trên lối có thêm những giàn hoa thiên lý, hoa dây leo bám vào tường làm không gian xanh mát dẫn lối. Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu, bước qua cánh cửa gỗ đã ngả màu thời gian là đã thấy thời gian như đang ngưng đọng lại, với những ngôi nhà còn treo hoành phi, câu đối đã có tuổi đời cả trăm năm, những bộ sập gụ, tủ chè đã tồn tại từ mấy thế hệ.
Theo những con đường làng, du khách sẽ đến những điểm tham quan nằm quanh làng như đình làng Mông Phụ, nhà thờ Giang Văn Minh, chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền… gắn với truyền thống yêu nước của dân tộc. Tất cả đều quây quần trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của một làng thuần nông đã làm cho việc khám phá làng cổ càng trở nên hấp dẫn hơn. Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 2005. Và mới đây, vào cuối tháng 11/2019, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Lễ đón nhận Quyết định và công bố điểm du lịch cấp thành phố Làng cổ ở Đường Lâm.
Với thương hiệu “Làng Việt cổ”, Đường Lâm là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước những năm qua. Những hoạt động như tham quan đình, chùa, phủ, miếu, nhà thờ họ, nhà cổ, đường làng, ngõ xóm, giếng cổ… đã trở thành trải nghiệm luôn có khi tới nơi này. Làng Đường Lâm cũng là nơi để tổ chức nhiều chương trình du lịch dành cho học sinh - sinh viên, đặc biệt là các bạn trẻ sinh sống ở thành phố thường đến đây để trải nghiệm cuộc sống và tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương. Không chỉ trải nghiệm cuộc sống làng cổ, đến với Đường Lâm, du khách cũng có dịp thưởng thức các món ăn nông thôn dân dã - đặc sản nơi đây như gà mía, bánh tẻ, canh rau muống chấm tương, cá kho, tôm đồng… hay nhẹ nhàng tráng miệng với tách chè tươi Cam Lâm, kẹo bột Đông Sàng…
Đường Lâm có lẽ là nơi thích hợp để du lịch “sống chậm”, tách hẳn so với phố thị luôn nhộn nhịp cách đó chưa đầy 50km.
L.T