Lễ tế Xã Tắc cầu cho quốc thái dân an năm 2010 được phục dựng đầy đủ theo quy cách xưa gồm lễ xuất cung và lễ tế. Hoàng đế mặc hoàng bào, đeo đai ngọc xuất cung từ điện Thái Hòa ra cửa Ngọ Môn cùng đoàn ngự đạo đến đàn Xã Tắc để tế lễ. Đoàn ngự đạo gồm 510 người với đầy đủ các nghi vệ, quan văn võ, binh lính, đội nghi trượng, đội nhã nhạc, vũ công bát dật, voi, ngựa, chiêng trống... Dọc đường đến đàn tế có đặt 3 hương án, tại mỗi hương án có hàng trăm bô lão khăn đóng, áo dài chỉnh tề quỳ lạy nghênh đón đoàn ngự đạo.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lễ tế Xã tắc có từ thời Tiền Lê và được duy trì qua các đời Lý, Trần, Nguyễn, do đích thân nhà vua hoặc một vị đại thần thay mặt nhà vua đứng ra làm chủ lễ. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, với mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đến năm 1806, trong việc quy hoạch lại toàn bộ kinh thành ở bờ Bắc sông Hương, vua Gia Long đã cho xây dựng Đàn Xã Tắc ở khu vực của phường Thuận Hòa ngày nay. Nhưng, từ năm 1945, lễ tế Xã Tắc dần bị mai một và Đàn Xã tắc cũng không còn được sử dụng đúng như chức năng vốn có. Mãi đến đầu năm 2008, công tác thám sát khảo cổ học mới cơ bản hoàn thành và dự án tu bổ, phục hồi đàn Xã Tắc được triển khai, đến nay đã phục hồi tầng đàn thượng và tầng đàn hạ.
Năm nay là lần thứ 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ tế Xã Tắc. Qua mỗi năm lễ tế cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an càng đi dần đến yếu tố nguyên bản và được tổ chức một cách trang trọng, “chuyên nghiệp hóa”. Có thể nói Lễ tế Xã Tắc không chỉ góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa lễ hội của Huế, mà còn nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, của du khách xa gần, cầu mong cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Minh Hạnh