Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo du lịch
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo trong các cơ sở đào tạo du lịch được tiến hành từ nhiều năm nay và đã thu được những kết quả nhất định, góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Cho đến nay tất cả các cơ sở đào tạo đã xây dựng trang tin điện tử (website) hoặc cổng thông tin điện tử (portal) để cung cấp các dịch vụ thông tin, tìm kiếm, tra cứu, phổ biến, tiếp thu, truy xuất dữ liệu giữa nhà trường và học sinh, sinh viên. Nhờ có công nghệ Internet, việc tra cứu, tiếp cận các văn bản pháp quy, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan cấp trên dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn; đồng thời việc quản lý, trao đổi văn bản giữa các bộ phận chuyên môn trong các cơ sở đào tạo nhanh, gọn. Các phòng, khoa chuyên môn có thể truy cập vào website của nhà trường để tìm kiếm và tra cứu thông tin, trao đổi trên diễn đàn… Do vậy, việc quản lý hoạt động đào tạo trong mỗi cơ sở đào tạo có tính hệ thống hơn, chặt chẽ hơn và giúp cho hầu hết các cán bộ, giáo viên có điều kiện tiếp cận với tài nguyên thông tin và công nghệ thông tin.
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin nên hầu hết hệ thống sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ điểm và lý lịch của học sinh, sinh viên, công tác tuyển sinh, công tác thi, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, xét học bổng, quản lý học phí… đều được quản lý trên hệ thống phần mềm chuyên biệt. Hình thức quản lý này thực sự đã thể hiện được tính ưu việt của công nghệ thông tin đảm bảo nhanh gọn, chính xác, cập nhật, có khả năng xử lý số liệu với số lượng lớn và lưu trữ thuận lợi. Nhiều cơ sở đào tạo đã sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu, văn bản, đề thi, đề kiểm tra, thời khóa biểu, điểm số, nhân sự của các phòng, khoa, bộ môn; công văn đi đến trong nội bộ giúp cho công tác quản lý hoạt động đào tạo đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm.
Hầu hết các cơ sở đào tạo đã thuê chuyên gia tư vấn thiết kế hệ thống mạng thông tin nội bộ, xây dựng website, mua phần mềm quản lý đào tạo. Tuy nhiên, tùy đặc thù của mình, từng cơ sở có những cải tiến, thay đổi theo hướng đối tượng để việc quản lý, sử dụng được phù hợp với điều kiện thực tế. Trên cơ sở hạ tầng và phần mềm chuyên dụng, các chuyên gia tư vấn tập huấn, phổ biến, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý công nghệ thông tin và các bộ phận chức năng vận hành theo kế hoạch đào tạo, chương trình đào tạo.
Hiện nay, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đã được đại bộ phận giáo viên, giảng viên trong các cơ sở đào tạo tiếp cận và sử dụng rộng rãi. Hầu hết các giáo viên, giảng viên được tham gia lớp tập huấn về kỹ năng xây dựng, biên soạn, sử dụng giáo án điện tử, bài giảng điện tử phục vụ trong giảng dạy. Tùy theo tính chất đặc thù của từng ngành học, môn học, giáo viên, giảng viên đã chủ động sử dụng giáo án điện tử vào giảng dạy học phần được phân công, vận dụng các nguồn tìm kiếm kiến thức thông qua công nghệ Internet giúp cho học sinh, sinh viên tăng khả năng, vai trò chủ động tìm hiểu nội dung bài giảng, có điều kiện tiếp cận với nhiều kênh thông tin khác nhau để tìm kiếm kiến thức.
Tuy máy tính điện tử và công nghệ thông tin mang lại rất nhiều thuận lợi cho việc dạy và học, nhưng trong một mức độ nào đó, thì công cụ hiện đại này cũng không thể hỗ trợ thay thế được hoàn toàn yếu tố con người trong quá trình quản lý quản lý đào tạo và giảng dạy. Do vậy, những trở ngại, hạn chế đầu tiên cũng xuất phát từ chính mỗi cán bộ, giáo viên, giảng viên nếu không chủ động tham gia quá trình tin học hóa hoạt động đào tạo và giảng dạy.
Việc dạy học tương tác giữa người và máy, dạy theo nhóm, dạy phương pháp tư duy sáng tạo cho học sinh, sinh viên vẫn còn mới mẻ đối với giáo viên, giảng viên và đòi hỏi giáo viên, giảng viên phải kết hợp hài hòa các phương pháp dạy học.
Nguồn tư liệu (hình ảnh, video, phần mềm chuyên ngành) cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy còn khá hiếm, đặc biệt là nguồn phù hợp với thực tế tại Việt Nam. Chi phí mua sắm phần mềm khá cao. Các phần mềm hiện nay đều chủ yếu không có bản quyền, nên tính ổn định không cao. Các phần mềm soạn bài giảng điện tử chưa đưa vào khai thác sử dụng. Các phần mềm chuyên ngành chưa cập nhật kịp thời so với các doanh nghiệp, gây lúng túng cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường làm việc. Kinh phí nâng cấp các phương tiện công nghệ thông tin, phần mềm theo hướng hiện đại hơn còn hạn hẹp. Khả năng tiếp nhận công nghệ, phần mềm mới của cán bộ, giáo viên, giảng viên còn hạn chế.
Nhiều học sinh, sinh viên không thành thạo về tin học, máy tính nên khi giáo viên, giảng viên đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, vào thực hành hay kiểm tra kết quả học tập thì học sinh, sinh viên lúng túng và kết quả học tập không cao.
Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, soạn bài, giảng dạy của giáo viên, giảng viên và học tập của học sinh, sinh viên của một số cơ sở đào tạo hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo du lịch
Đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, giảng viên thấy rõ hiệu quả và yêu cầu mang tính tất yếu của ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp quản lý đào tạo và giảng dạy.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và soạn giáo án điện tử cho các cán bộ, giáo viên, giảng viên. Nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, giảng viên cũng chính là nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở. Tập huấn cho giáo viên, giảng viên sử dụng một số phần mềm hỗ trợ để soạn thảo bài giảng điện tử, giáo án điện tử, chú trọng sử dụng những phần mềm mã nguồn mở tương tác với môi trường Internet.
Đầu tư mua các sản phẩm phần mềm mới, phù hợp với từng ngành, từng loại hình đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Đầu tư, khai thác hệ thống E-Learning (học trực tuyến) để tiết kiệm, giảm tải được thời gian lên lớp, người dạy và người học có thể giao tiếp mọi lúc, mọi nơi, đa dạng hóa hình thức thi, kiểm tra, trả bài, lên lớp chuyên môn, hướng dẫn chuyên ngành… Tăng cường, bổ sung hệ thống giáo trình điện tử, xem như là những công trình nghiên cứu khoa học cần được đầu tư và phát triển. Triển khai một số phần mềm dùng cho ôn tập, kiểm tra, trắc nghiệm cho phép tương tác trên mạng tích hợp vào website của trường; phần mềm kích thích, định hướng khả năng tư duy hỗ trợ cho phương pháp làm việc theo nhóm, hỗ trợ việc tương tác giữa giáo viên, giảng viên với học sinh, sinh viên. Đầu tư xây dựng phần mềm quản lý chương trình đào tạo, quản lý sinh viên, quản lý điểm số, xây dựng thư viện điện tử, cổng thông tin điện tử.
Đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin một cách toàn diện và đồng bộ để việc ứng dụng công nghệ thông tin thực sự là một công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Các cơ sở đào tạo cần tăng cường đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang bị thêm phòng đa chức năng có đầy đủ phương tiện đồng bộ như: máy chiếu, máy quay, máy chụp, nối mạng và hướng dẫn sử dụng.
Từng bước cải tiến cơ chế đánh giá chất lượng giảng dạy, lượng hóa các tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy từ đó có cơ chế thưởng phù hợp. Tăng khoảng cách giữa các mức thưởng, giảm dần tính “cào bằng” trong khen thưởng, tạo sự khác biệt đủ để khuyến khích giáo viên, giảng viên khi ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên cũng cần thay đổi tư duy ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy không phải là phụ thuộc vào công nghệ mà khai thác, phát huy công nghệ cùng với kiến thức để xây dựng nên một bài giảng, làm bài giảng thêm sinh động, dễ hiểu và đạt hiệu quả cao.
Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo có ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó tạo điều kiện cho cán bộ quản lý đào tạo, giáo viên, giảng viên có điều kiện tiếp cận, cập nhật, chia xẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, giao lưu học hỏi trong việc sử dụng những kỹ năng, phần mềm trong quá trình soạn bài giảng điện tử. Khuyến khích, động viên cán bộ quản lý đào tạo, giáo viên, giảng viên tăng cường truy cập Internet để tìm kiếm, cập nhật thông tin, tài liệu mới nhất phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy và sớm nắm bắt cập nhật những văn bản, công văn chỉ đạo từ các cấp quản lý để phục vụ công tác quản lý và chuyên môn.
Tổ chức hội thi “Giáo viên, giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin giỏi” thường niên, trong đó có đưa ra tiêu chí đánh giá tiết dạy có sử dụng công nghệ thông tin, chuẩn bài giảng điện tử… để kích thích lòng đam mê sáng tạo và tự nghiên cứu nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của các giáo viên, giảng viên. Các cơ sở đào tạo cần động viên khuyến khích giáo viên, giảng viên cần mạnh dạn, không ngại khó, tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử của mình sẽ giúp cho giáo viên, giảng viên rèn luyện được nhiều kỹ năng và phối hợp tốt các phương pháp dạy học tích cực khác.
Ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong đào tạo là chìa khóa thành công trong quản lý của các cơ sở đào tạo du lịch, là tiền đề nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Việc đầu tư phát triển công nghệ thông tin tại các cơ sở đào tạo trong tình hình hiện nay không căn cứ vào khả năng kinh phí có thể sử dụng để mua phần mềm mà cần dựa vào việc phân tích kỹ các đặc điểm hệ thống và phải phát triển trên nền của một mô hình quản lý tốt cùng với các tiền đề nhân lực sử dụng công nghệ thông tin tốt. Với các tính năng ưu việt của công nghệ thông tin, việc ứng dụng các tính năng này để thực hiện công tác quản lý đào tạo của các cơ sở đào tạo nói chung và các cơ sở đào tạo về du lịch nói riêng rất có hiệu quả, đảm bảo giảm thiểu được các chi phí về thời gian và các chi phí khác.
Việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đào tạo cần được nhân rộng và phổ biến trong các cơ sở đào tạo trong thời gian tới, từng bước đưa công tác quản lý đào tạo ngày càng chuyên nghiệp đáp ứng với yêu cầu của thực tế và bối cảnh hội nhập quốc tế. Để đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy có hiệu quả, cần tăng cường đầu tư để nâng cao, hoàn chỉnh và hiện đại hoá thiết bị công nghệ dạy học, có sự chỉ đạo đầy đủ, đồng bộ thống nhất bằng các văn bản mang tính pháp quy để các trường có cơ sở lập đề án, huy động nguồn vốn đầu tư, góp phần làm thay đổi nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản lý giáo dục, tạo nên được sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội thông qua mạng, làm cơ sở tiến tới một xã hội học tập./.
ThS. Đoàn Mạnh Cương