(VTR) - Truyền thống yêu nước - anh hùng của dân tộc ta đã kết tinh trong ba bản Tuyên ngôn độc lập, như những mốc son rực rỡ trên hành trình đi lên của đất nước: “Thơ thần”, tương truyền của Lý Thường Kiệt, năm 1077 ở đầu thời tự chủ; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi năm 1428, bắt đầu thời kỳ phục hưng ở thế kỷ 15; Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước giữa thế kỷ 20: kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nếu Thơ thần vang lên như hồi kèn xung trận, cổ vũ tướng sỹ vượt sông Cầu đánh đuổi giặc Tống đến tận biên giới; “Bình Ngô đại cáo” sang sảng như tiếng gươm khua trên đầu quân thù hòa lẫn tiếng ca khải hoàn; thì “Tuyên ngôn độc lập” là áng hùng văn của thời đại cách mạng vô sản, đã chấm dứt một thời kỳ đau thương nô lệ của dân tộc, mở ra một trang sử mới huy hoàng cho đất nước.
Càng tự hào về khí phách “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Thơ thần), càng trân trọng tư tưởng sáng ngời “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Bình Ngô đại cáo), chúng ta lại càng nhận rõ tầm cao và ý nghĩa sâu sắc của “Tuyên ngôn độc lập”, bởi đây chính là sự nối tiếp - nâng cao của lịch sử dân tộc trong thời đại mới. Thuở xa xưa, mặc dù là đỉnh cao tư tưởng lúc bấy giờ, nhưng do hạn chế của lịch sử, hai bản Tuyên ngôn thời phong kiến chỉ mới giải quyết được một yêu cầu, đó là độc lập cho dân tộc. Còn “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 thì lại giải quyết thêm một yêu cầu nữa là dân chủ cho nhân dân. Tuyên ngôn đã khẳng định một sự thật lịch sử chưa từng có của cách mạng Việt Nam: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ Cộng hòa”. Như vậy, cũng có nghĩa là Tuyên ngôn khẳng định độc lập cho dân tộc và tư do cho nhân dân. Đó là tư tưởng và chân lý của thời đại mà 21 năm sau Bác Hồ đúc kết trong câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tư do” (Lời kêu gọi Toàn quốc chống Mỹ, 17/7/1966).
“Tuyên ngôn độc lập” mở đầu bằng một chân lý bất di bất dịch về quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Đó chính là nguyên lý làm cơ sở tư tưởng cho toàn bản Tuyên ngôn. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn ra từ hai bản “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 của nước Mỹ và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp năm 1791, từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hóa của những dân tộc ấy. Cách viết như vậy vừa đủ sức thuyết phục, vừa tỏ ra rất trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Pháp, người Mỹ, qua đó Người tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình ở Pháp và Mỹ chống chiến tranh xâm lược; đồng thời phân hóa và cô lập những phần tử thực dân với dã tâm xâm lược, đặt ách cai trị đất nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhắc lại, Người còn “suy rộng ra” từ hai bản Tuyên ngôn ấy: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đó là một đóng góp đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Bản Tuyên ngôn khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do, có đủ tư cách làm chủ đất nước và đã đứng lên để giành quyền tự do, độc lập ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt toàn thể nhân dân ta, ra tuyên bố trịnh trọng với toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và dân tộc, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập…”.
Tầm tư tưởng, tầm văn hóa lớn của chủ tích Hồ Chí Minh đã được tổng kết trong một bài văn ngắn gọn, trong sáng, khúc chiết. Áng hùng văn ấy gắn liền với tên tuổi người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, mở ra một trang sử mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Quynh Nga