Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội nằm trong quy hoạch giao thông tổng thể của Thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng phê duyệt theo quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016). Đây cũng là dự án mang tính biểu tượng của hợp tác Pháp - Việt Nam trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững. Tuyến Metro số 3 có chiều dài 12,5km, bao gồm 12 nhà ga đường ray đôi theo tiêu chuẩn châu Âu, gồm 8 ga đi trên cao (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia, Chùa Hà, Cầu Giấy) và 4 ga ngầm (Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, ga Hà Nội) trải dài từ điểm đầu Nhổn đến trung tâm thành phố trên phố Trần Hưng Đạo. Tuyến đường này sẽ cho phép tiết kiệm 20.000 tấn tương đương CO2 khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm và góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.
Thông tin tại họp báo, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết: Đoàn tàu đầu tiên trong số 10 đoàn tàu của tuyến Metro số 3 Hà Nội, khởi hành từ cảng Dunkerque (Pháp) vào đầu tháng 9 đã về tới Hải Phòng ngày 18/10/2020. Việc đoàn tàu metro đầu tiên được lắp ráp tại nhà máy Alstom ở Valenciennes (Pháp) đã về tới Việt Nam đánh dấu một giai đoạn quan trọng cho thành công của dự án này.
Theo Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh, Dự án xây dựng tuyến metro số 3 đã tiến triển đúng theo lịch trình dự kiến, mặc dù có nhiều khó khăn năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 diễn biến toàn cầu. Dự án đã đạt được dấu mốc quan trọng với việc đón đoàn tàu đầu tiên từ Pháp về Việt Nam. Việc chạy thử tĩnh và động đầu tiên sẽ bắt đầu vào đầu năm 2021 đối với phần đường sắt trên cao, trong khi đó các công việc tiếp tục được thực hiện đối với phần ngầm dưới đất.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết thêm, tiếp sau tuyến metro trên cao, dự kiến tuyến metro số 3 tiếp tục đi ngầm thêm 8km dưới phố Trần Hưng Đạo rồi sang phía Nam thành phố tới quận Hoàng Mai. Các nghiên cứu đã được tiến hành để công việc bắt đầu trên cơ sở tiếp tục dự án hiện tại. Dự án này có thể nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ châu Âu, trong đó có Cơ quan Phát triển Pháp, bên cạnh Ngân hàng Phát triển châu Á.
Theo ông Gilles Machelon, Giám đốc Dự án - Liên danh Alstom-Thalès-Colas Rail, mỗi đoàn tàu 4 toa có sức chứa tối đa là 916 người, với công nghệ tín hiệu CBTC mới nhất. Tàu chạy điện hoàn toàn, với vỏ tàu bằng nhôm nhẹ, mức tiêu thụ năng lượng ít hơn, chỉ bằng 1/3 so với xe buýt và bằng 1/4 so với ô tô cá nhân, do đó đảm bảo môi trường, giúp cho người dân Hà Nội giải pháp đi lại an toàn và thân thiện với môi trường.
Việc thiết kế tàu đã đặc biệt được chú ý để mang tới những màu sắc kết hợp hài hòa của nội và ngoại thất tàu, lấy cảm hứng từ quả thanh long và màu xanh lá mạ đồng ruộng của Việt Nam, cùng với những vạt màu chạy dọc thân tàu đại diện cho sự linh hoạt chuyển động. Các toa tàu có cửa rộng để hành khách dễ dàng di chuyển, có không gian dành cho người khuyết tật, cũng như các tay nắm thuận tiện và dễ dàng. Dự kiến khi bắt đầu vận hành vào năm 2021, tuyến Metro số 3 sẽ có khả năng chuyên chở đến 8.600 hành khách mỗi giờ và mỗi chiều trong thời gian đầu, và đến năm 2030 có thể tăng đến 23.900 hành khách mỗi giờ.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đến thời điểm này, Đại sứ quán đã hỗ trợ thành công được nhóm chuyên gia thứ nhất cho Dự án từ Pháp sang Việt Nam. Đại sứ quán cam kết đồng hành cùng UBND Thành phố Hà Nội và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội để đưa nhóm chuyên gia thứ 2 cần thiết cho Dự án sang Việt Nam vào năm 2021, cùng với đó là kế hoạch chuyển tiếp 9 đoàn tàu nữa từ Pháp sang Việt Nam.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ quán Pháp trưng bày triển lãm trên bức tường phía ngoài đường Trần Hưng Đạo các nội dung và hình ảnh giới thiệu các giai đoạn thiết kế và lắp ráp đoàn tàu, quá trình vận chuyển tàu về tới Hà Nội, cũng như vai trò của các tác nhân Pháp tham gia dự án. Triển lãm sẽ kéo dài từ 28/10/2020 đến 31/1/2021.
Hạ Tinh