Cổ động viên Việt Nam tại Sea Games 26
Bước tiến từ các môn thể thao cơ bản
Tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2020 mà điểm nhấn quan trọng nhất chính là việc TTVN hướng mục tiêu lên châu lục, thế giới bằng các môn thể thao cơ bản thay vì tầm khu vực. Bởi vậy, trong năm 2011, việc tham dự SEA Games 26 tại Indonesia cùng cuộc tìm kiếm những suất chính thức góp mặt tại Olympic London 2012, được xem là bước kiểm chứng quan trọng đầu tiên cho sự phát triển tương lai ấy. Rõ ràng, những thành công đã gặt hái được trên cả 2 đấu trường này không chỉ chứng minh cho tính đúng đắn của chiến lược phát triển mà còn mở ra tương lai mới cho TTVN.
Giành 96 huy chương Vàng (HCV), 92 huy chương Bạc (HCB), 100 huy chương Đồng (HCĐ) và đứng trong tốp 3 tại SEA Games 26, đoàn TTVN đã vượt xa chỉ tiêu vàng đặt ra trước ngày lên đường (giành từ 70 HCV trở lên). Đây cũng là thành tích tốt nhất trong 11 lần tham dự Đại hội thể thao khu vực trên sân khách. Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là sau quãng thời gian dài luôn phải trông vào các thế mạnh để "săn Vàng", thì tại SEA Games này, ghi đậm dấu ấn của các môn thể thao cơ bản nhất.
Thể dục dụng cụ vốn chưa bao giờ được đánh giá cao, "bỗng" trở thành đội tuyển đóng góp nhiều thành tích nhất: 11 HCV - thành tích mà chính các nhà chuyên môn còn phải thừa nhận là... không tưởng! Điền kinh đặt chỉ tiêu phấn đấu có 7 HCV, nhưng kết thúc với 9 chức vô địch mà chẳng hề bằng cái công thức cũ "Hương - Hằng - Cương - Huyện" (4 gương mặt đóng góp thành tích chính ở các kỳ đại hội trước) khi đến từ nhiều nội dung không được xếp vào hàng thế mạnh như: đi bộ, nhảy cao, vượt rào... Bên cạnh đó là thành công của các đội tuyển khác như: vật (8 HCV); bắn súng (7 HCV); đấu kiếm (5 HCV); bơi (4 HCV); rowing (3 HCV); canoeing (2 HCV)...
Dấu ấn từ những gương mặt trẻ
Tương lai của thể thao nước nhà còn gắn với sự tỏa sáng của rất nhiều gương mặt còn non trẻ, những gương mặt vừa tỏa sáng để xoa dịu đi nỗi buồn từ các "số 1" bỗng không còn là... số một trong mùa thi đấu qua.
Nổi bật lên chính là Hoàng Quý Phước, kình ngư sinh năm 1993. Sau khi đạt chuẩn B Olympic 2012 vào hồi đầu năm, Quý Phước đã phá sâu thành tích của mình ở cự ly "ruột" 100m bướm tại SEA Games 26 và hơn thế, nam kình ngư quê Đà Nẵng này còn gây sự ngạc nhiên lớn cho giới chuyên môn khu vực bằng cú nước rút thần tốc ở nội dung 100m tự do, vốn không phải là sở trường. Cô gái Hải Phòng Phan Thị Hà Thanh, nữ hoàng thể dục mới ở độ tuổi vừa tròn 20, chỉ trong hai tháng cuối năm đã mang về cho TTVN hai kỳ tích lớn - tấm HCĐ thế giới lịch sử cùng suất tham dự Olmpic London và kế đến với 3 ngôi vô địch để trở thành VĐV giàu thành tích nhất của đoàn TTVN tại SEA Games 26.
Bên cạnh đó, còn phải kể tới: Lê Quang Liêm với tuổi 20 đầy ấn tượng trên kỳ đài quốc tế bằng danh hiệu siêu đại kiện tướng quốc tế và hai tấm HCV SEA Games; Trần Huệ Hoa, HCV nhảy ba bước nữ; Dương Việt Anh - 1990, HCV nhảy cao nữ; Dương Văn Thái, HCV chạy 800n nam; Đinh Thị Như Quỳnh, HCV xe đạp địa hình nữ; Lê Bích Phương, HCV đối kháng karate... Có thể khẳng định SEA Games, chính là cơ sở quan trọng để TTVN hướng tới sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong tương lai gần.
Và khoảng lặng từ bóng đá
Mười năm bước trên con đường chuyên nghiệp hóa, bộ mặt bóng đá đã hoàn toàn thay đổi mà sự thay đổi dễ nhận ra nhất chính là tiền - có quá nhiều tiền đã được đổ vào bóng đá! Số các đội bóng ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn, tuy nhiên, công tác đào tạo, huấn luyện cầu thủ trẻ lại không được chú trọng mà luôn thay bằng những cuộc mua bán, hay sử dụng ngoại binh thông qua các bản hợp đồng "khủng", theo kiểu... đua tiền gây nhiều bức xúc cho dư luận xã hội.
Thay đổi quyết liệt và ngay lập tức đó là đòi hỏi chính đáng của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam lúc này. Nhưng thay đổi từ đâu và thay đổi như thế nào? Có lẽ đó sẽ là câu chuyện của năm... 2012!
Vũ Minh