Từ ngày 24/4, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch
Từ ngày 24/4, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch
Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch và được áp dụng từ hôm nay (24/4) nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, bộ tiêu chí này nhằm giúp các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú... quản lý rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay. Qua đó, các doanh nghiệp du lịch có điều kiện hoạt động trở lại sớm khi có đủ điều kiện đảm bảo an toàn không lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.
Bộ tiêu chí chính thức bao gồm 10 tiêu chí thuộc 10 nhóm rủi ro, tương ứng với nhiều loại hình kinh doanh trong ngành du lịch như: Có biện pháp nắm thông tin chính sách sức khỏe tình trạng khai báo y tế của khách lưu trú; có biện pháp nắm thông tin sức khỏe, theo dõi sức khỏe và tập huấn các biện pháp phòng dịch cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp, người lao động tham gia phục vụ trong các loại hình dịch vụ; có cung cấp các sản phẩm vệ sinh khử khuẩn hoặc bố trí thuận tiện chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng tại các khu vực, trụ sở, khu vực làm việc theo đúng quy định của ngành y tế và có biện pháp giám sát nhắc nhở người sử dụng; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc thường xuyên tại nơi làm việc…; người lao động, nhân viên và khách lưu trú có đeo khẩu trang; số người lao đông, số khách đến liên hệ công việc, khách lưu trú, khách sử dụng các dịch vụ trong cơ sở lưu trú được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào đơn vị hay sử dụng dịch vụ.
Đơn vị phải thực hiện truyền thông, khuyến cáo các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho người lao động, khách lưu trú theo hướng dẫn của ngành y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền; đảm bảo giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc (từ 2m trở lên); phòng ở cho khách lưu trú bố trí 1 người/phòng, mở cửa sổ phòng hoặc dùng điều hòa nhiệt độ từ 27 độ trở lên; không tổ chứcbuffet mà tổ chức phục vụ ăn uống tại phòng hoặc bố trí khu vực ăn uống đảm bảo khoảng cách tiếp xúc theo quy định từ 2m trở lên và phải bố trí khu vực dự phòng làm điểm cách ly khách khi cần thiết; có trang bị đồ bảo hộ cá nhân dự phòng cho nhân viên để sử dụng khi cần.
Khi doanh nghiệp du lịch đáp ứng đầy đủ 100% các tiêu chí trên sẽ được đánh giá là an toàn và được phép hoạt động nhưng vẫn đảm bảo duy trì các tiêu chí này. Khi doanh nghiệp đạt từ 80% đến dưới 100% với bộ đánh giá này sẽ được đánh giá ở mức độ an toàn tương đối với điều kiện không có chỉ số nào dưới 5 điểm và sẽ được kiểm tra khả năng hoàn thiện mức độ đáp ứng các tiêu chí sau 7 ngày. Các doanh nghiệp đạt mức 50% đến dưới 80% là mức độ an toàn thấp phải có giải pháp điều chỉnh, phải đảm bảo an toàn mới được hoạt động. Doanh nghiệp đạt dưới 50% là không an toàn và không được hoạt động.
Du lịch ĐBSCL tìm giải pháp vượt khó
Dịch bệnh COVID-19 tác động rất lớn đến thị trường du lịch Việt Nam nói chung và du lịch ĐBSCL nói riêng. Những nỗ lực liên kết, kích cầu du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL đã được lên kế hoạch từ năm 2019 cũng đành gác lại. Trước tình thế này, các địa phương đang tìm giải pháp vượt khó.
Với ngành du lịch TP Cần Thơ, 3 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt chưa đến 50% số lượng khách so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ ngành chỉ đạt hơn 751 tỉ đồng, giảm khoảng 36% so với cùng kỳ. Với việc tạm dừng hoạt động các khu/điểm du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng…, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở Cần Thơ cũng điêu đứng vì dịch bệnh này. Một số sự kiện vốn thu hút rất đông khách tại Cần Thơ như Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, biểu diễn nghệ thuật định kỳ… đặc biệt là sự kiện Cần Thơ đăng cai Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia dự kiến vào tháng 4 này, đều bị tạm dừng, hoãn.
Quý I-2020, ngành du lịch tỉnh An Giang cũng bị tác động rất lớn trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khi lượng du khách giảm, công suất sử dụng phòng thấp, nhiều khách sạn, nhà hàng phải tạm đóng cửa, không đón khách. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2020, lượng khách mà du lịch An Giang đón chỉ đạt 30% so với kế hoạch; doanh thu từ hoạt động du lịch chỉ đạt 23% so kế hoạch. Ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng chịu cảnh tương tự. Những tháng sau Tết Nguyên đán vốn là dịp du lịch Bạc Liêu thu hút du khách với các điểm đến: Vía Quán Âm Phật Đài (TP Bạc Liêu), hành hương Nhà thờ Tắc Sậy (huyện Giá Rai)… Vậy nhưng, chỉ tính riêng tháng 3, du lịch Bạc Liêu chỉ đón khoảng 160.000 lượt người.
2 năm qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò tích cực trong điều phối, liên kết du lịch của thành phố này với các tỉnh, thành ĐBSCL. Vậy nhưng trước ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đang rất vất vả. Theo thống kê mới nhất của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế trong tháng 3-2020 chỉ đạt 117.000 lượt khách, giảm 84,23% so cùng kỳ năm 2019. Và nếu tính chung 3 tháng đầu năm, lượng khách tới thành phố ước đạt hơn 1,3 triệu lượt, chỉ đạt 14,49% kế hoạch năm 2020 và giảm 42,26% so với cùng kỳ. Dĩ nhiên, doanh thu từ ngành du lịch của TP Hồ Chí Minh thời gian này cũng giảm theo.
Không đợi đến khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, ngành du lịch ĐBSCL với vai trò đầu tàu liên kết của TP Hồ Chí Minh đã năng động tìm cách "vượt khó", sẵn sàng "trở mình" khi hoạt động lại.
Mới đây, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19. 3 đề xuất quan trọng được Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đưa ra là: hỗ trợ về cải cách thể chế và cải cách hành chính trên lĩnh vực du lịch; hỗ trợ Chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực; hỗ trợ chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Rõ ràng, đây là những vấn đề then chốt mà ngành du lịch cả nước đang rất cần hiện nay. Đề xuất của TP Hồ Chí Minh cũng sát hợp với thực trạng du lịch ĐBSCL hiện nay khi mà cần nhiều hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số vào dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng người làm du lịch.
Với các địa phương ĐBSCL, rất nhiều giải pháp đã được chuẩn bị, lên kế hoạch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền về du lịch Cần Thơ là điểm đến an toàn và giải pháp kích cầu du lịch sau dịch COVID-19. Bên cạnh khai thác thế mạnh du lịch ở Ninh Kiều, Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát và khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa ở các địa phương nhằm phát triển du lịch.
Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng có nhiều giải pháp khả thi nhằm kích cầu du lịch Bạc Liêu sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đơn cử là xây dựng và nâng chất Điểm cung cấp thông tin du lịch tỉnh Bạc Liêu tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; phối hợp Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch TP Hồ Chí Minh phát hành nhiều ấn phẩm, tập gấp, tranh ảnh, sách hướng dẫn du lịch Bạc Liêu; quảng bá du lịch Bạc Liêu trên sóng truyền hình quốc gia…
Sở VHTTDL Cần Thơ phát động Cuộc thi "Ảnh đẹp Du lịch Cần Thơ" năm 2020
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ phát động Cuộc thi "Ảnh đẹp Du lịch Cần Thơ" năm 2020. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những hình ảnh đẹp về vùng đất, con người, nét văn hóa đặc sắc của Cần Thơ, góp phần gìn giữ và xây dựng ảnh tư liệu về sự phát triển du lịch, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh nét đẹp thành phố đến với du khách trong nước và quốc tế.
Đối tượng dự thi gồm nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên và không chuyên; là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đang công tác, sinh sống tại Việt Nam, có ý tưởng, sáng tạo các hình ảnh đẹp, ấn tượng về du lịch Cần Thơ.
Các tác phẩm dự thi thể hiện hình ảnh các điểm đến, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, những khoảnh khắc cuộc sống, nét sinh hoạt ngày thường, phong tục tập quán, văn hóa, ẩm thực của người dân địa phương; các lễ hội, các làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa dân gian và các loại hình du lịch Cần Thơ; hình ảnh du khách tham quan, trải nghiệm các hoạt động cùng người dân địa phương tại các điểm, vườn du lịch... Ảnh dự thi là ảnh màu hoặc đơn sắc, là file ảnh kỹ thuật số, có định dạng jpg, dung lượng tối đa 6Mb; ảnh được chụp tại Cần Thơ.
Ban Tổ chức sẽ trao 11 giải thưởng, trong đó giải nhất có trị giá 10 triệu đồng. Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ nay đến hết ngày 28-8-2020; công bố và trao giải thưởng cuộc thi vào tháng 10.
Tác phẩm dự thi gửi về: Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ, số 98 Phan Đình Phùng, P. An Lạc, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ; hoặc Email: trungtamptdl@cantho.gov.vn, điện thoại: 0292.6252527.
(Theo toquoc.vn)