(Tạp chí Du lịch) – Ngày 6/2, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các doanh nghiệp lữ hành nước này nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch ra nước ngoài, với danh mục 20 nước (gồm Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Maldives, Sri Lanka, Philippines, Malaysia, Singapore, Lào, UAE, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, New Zealand, Fiji, Cuba, Argentina). Trong bối cảnh du lịch Việt Nam – Trung Quốc đang được đặt nhiều kỳ vọng hồi phục sau thời gian dài gián đoạn vì đại dịch, việc Việt Nam không có tên trong danh sách nói trên khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành rất hụt hẫng. Bên cạnh áp lực tiếp tục phải chờ đợi là mối quan ngại về khả năng cạnh tranh với nhiều đối thủ khi thị trường được nối lại…
Trao đổi với Tạp chí Du lịch, ông Hà Thiện Tường, Giám đốc Công ty du lịch Hải ngoại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, theo thông báo của Cục Xuất nhập cảnh Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 6/2/2023, các công ty du lịch outbound, công ty du lịch trực tuyến sẽ được nối lại thí điểm các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài và kinh doanh vé máy bay, vé khách sạn cho công dân Trung Quốc đến 20 quốc gia (nêu trên). Thông báo cũng nêu rõ, kể từ 6/2, các hãng lữ hành và công ty du lịch trực tuyến có thể tiến hành các công tác chuẩn bị cho việc ra mắt sản phẩm, quảng bá và xúc tiến... sẵn sàng cho các thị trường khi mở lại.
Nói về việc Trung Quốc chưa mở lại visa du lịch đến Việt Nam, CEO Công ty du lịch Hải ngoại Quảng Tây nhận định, hai bên có nhiều cửa khẩu đường bộ, nhiều đường bay nên việc thương thảo bàn luận các phương án tổ chức đón đưa khách 2 chiều cần hết sức kỹ càng, để đảm bảo an toàn cũng như sự suôn sẻ khi hoạt động du lịch được nối lại.
“Chúng tôi khá hụt hẫng vì Việt Nam là thị trường hết sức quen thuộc đối với du lịch Trung Quốc, hàng năm lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng khách quốc tế, và lượng khách outbound Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm cũng khá đông. Doanh nghiệp lữ hành 2 bên đang kỳ vọng thúc đẩy hồi phục khi du lịch được mở lại”, ông Tường bày tỏ.
“Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị sản phẩm để sẵn sàng ngay khi du lịch mở lại. Hy vọng du lịch sẽ mở trong tháng 3 tới”, ông Tường nói.
“Thời điểm hiện tại, công ty đã sẵn sàng charter Trương Gia Giới (Hãng hàng không Vietjet), dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 3, khởi hành từ Hà Nội thứ 2, thứ 4, thứ 6 và thành phố Hồ Chí Minh thứ 5, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần”, ông Tường cho hay.
Chia sẻ về lý do “mạnh dạn” đầu tư tàu bay “thuê bao chuyến” Việt Nam – Trung Quốc, CEO Hải ngoại Quảng Tây cho rằng, dù mở chậm hơn so với thị trường khác nhưng khi mở là thị trường sẽ sôi động ngay lập tức bởi nhu cầu du lịch của du khách Trung Quốc rất lớn, nhất là sau 3 năm đóng cửa vì dịch, tâm lý giải tỏa của người dân rất cao và Việt Nam là thị trường họ hướng đến bởi đường bay không quá xa, chi phí vừa phải, điểm nữa là Việt Nam được xem như là điểm đến “truyền thống” của du khách Trung Quốc…
Với hoạt động du lịch đường bộ qua cửa khẩu biên giới, các công ty lữ hành cũng đang chờ các quy định từ phía cơ quan chức năng.
Theo Giám đốc Công ty du lịch S-Travel (Lào Cai) Nguyễn Hồng Thắng, sau khi huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) tổ chức lễ khởi động khôi phục du lịch qua biên giới Việt – Trung (ngày 8/1), lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam cũng như khách Việt Nam sang Trung Quốc bằng giấy thông hành (trong ngày) rất đông, tuy nhiên, từ 6/2 chỉ có khách thương mại là đi được, khách du lịch thuần túy lại phải chờ.
“Hiện nhu cầu của khách Việt Nam là có, song rất ít công ty lữ hành đứng ra tổ chức tour vì tổ chức phải có hợp đồng, bảo hiểm, đối tác đón đoàn, phải xin visa…, thủ tục rất rườm ra và chi phí tour cao”, ông Thắng cho biết.
“Nhiều doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, để vào việc ngay khi thị trường mở lại thì phải sẵn sàng nhân lực, sản phẩm; thế nhưng duy trì nhân sự trong khi thị trường chưa biết khi nào mới mở tạo ra áp lực tài chính rất lớn với doanh nghiệp, mà hầu hết doanh nghiệp đều cạn kiệt sau đại dịch”, ông Thắng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hoàng Hậu Dương, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Continental quan ngại về đối thủ cạnh tranh rất lớn của Việt Nam là Thái Lan trong việc đón khách Trung Quốc, việc Việt Nam chưa được Trung Quốc đưa vào danh sách các nước được các doanh nghiệp Trung Quốc tổ chức đưa khách theo nhóm đi du lịch là một bất lợi, bởi giá cả cũng như cách thức làm du lịch của Thái sẽ thu hút rất mạnh dòng khách Trung Quốc, trong khi chiến dịch xúc tiến quảng bá từ Việt Nam hướng vào thị trường Trung Quốc gần như con số 0.
“Các cơ quan quản lý cần sớm có chiến lược đối với thị trường khách quan trọng hàng đầu đối với du lịch Việt Nam, đặc biệt là công tác quảng bá điểm đến”, ông Dương kiến nghị.
Viễn Nguyệt