Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn, Bát Tràng là trung tâm gốm sứ, có lịch sử lâu đời, nằm bên sông Hồng, sản xuất nhiều đồ gốm sứ đặc sắc, quý hiếm, được ưa chuộng sử dụng phổ biến ở làng quê cho tới chốn cung đình, từ đồ thờ tự dân gian cho đến vật phẩm ngoại giao. Kế thừa truyền thống với những sắc thái chuyên biệt, gốm Bát Tràng đã tồn tại qua những giai đoạn lịch sử khó khăn, phát triển đến ngày nay, trở thành bảo tàng sinh động về gốm sứ nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung...
Các hiện vật gốm trưng bày lần này đều nằm trong bộ sưu tập đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trước đây, Bảo tàng cũng đã tiến hành một trưng bày về gốm Bát Tràng với bộ sưu tập được chọn lọc kĩ lưỡng với những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc; ngoài giới thiệu lịch sử, văn hóa còn tập trung vào giới thiệu lịch sử mỹ thuật trên đồ gốm. Lần này, Bảo tàng giới thiệu bộ sưu tập theo biên niên lịch sử gốm Bát Tràng từ khi hình thành cho đến nay. Bảo tàng đã sưu tầm các hiện vật gốm Bát Tràng trong nhiều năm qua và cho đến nay chưa có một bảo tàng nào có bộ sưu tập trọn vẹn như vậy.
Bát Tràng là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay; trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị.
Trưng bày chuyên đề: “Gốm cổ Bát Tràng”, gồm 4 phần: Lịch sử hình thành; gốm Bát Tràng thế kỷ XIV; gốm Bát Tràng thế kỷ XV – XVIII và gốm Bát Tràng thế kỷ XIX-XX. Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao. Từ đó, giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Trưng bày chuyên đề “Gốm cổ Bát Tràng” diễn ra đến tháng 9/2023.
Tuấn Sơn