.JPG)
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Bích Thủy nhấn mạnh, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 97 năm hình thành và phát triển, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên. Hơn 50 năm viết báo, nhà báo Hồ Chí Minh đã đóng góp cho nước nhà trên 2.000 bài báo với nhiều chủ đề khác nhau. Bà Thủy nêu rõ, khắc ghi lời dạy của Người: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén…”, các nhà báo, chiến sỹ luôn vững tay bút, sáng niềm tin, đấu tranh và cất cao tiếng nói dân tộc, dù ở ngục tù tăm tối hay trên chiến trường khốc liệt. Những “làng báo” trong tù với phương thức làm báo “đặc biệt”, đã tạo nên nét đặc sắc của dòng báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. “Những bản tin, bức ảnh, thước phim, phóng sự gửi về từ chiến trường, đã cập nhật kịp thời những thông tin chân thực. Để có được những bức ảnh, thước phim ấy, là mồ hôi, nước mắt, là xương, máu của biết bao nhà báo - chiến sỹ trên mặt trận thông tin” bà Thủy cho biết.
Trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” được thể hiện qua 2 nội dung: Tiếng nói dân tộc vVì nước dấn thân, vì dân cất tiếng.
Ở nội dung thứ nhất: Tiếng nói dân tộc: thể hiện một số dấu ấn lịch sử trên chặng đường 97 năm hình thành và phát triển của Báo chí cách mạng Việt Nam kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên. Đề cập đến cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn tâm niệm: viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau. Những bài báo của Người vừa đậm tính dân tộc nhưng cũng giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, lại có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ.
Trong nội dung trưng bày này cũng đề cập đến hoạt động tuyên truyền trong các nhà tù của các chiến sỹ cộng sản. Tại Nhà tù Hỏa Lò, Chi bộ nhà tù đã ra các tờ báo “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, báo “Lao tù”... do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo. Tờ “Lao tù tạp chí” do Chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò xuất bản. Đảng bộ Nhà tù Sơn La đã đề ra nhiều hình thức hoạt động phong phú, trong đó có xuất bản tờ “Suối reo” nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù. Tại Nhà tù Côn Đảo, khắp các nhà lao đều có Chi bộ. Tại đây có tờ “Ý kiến chung”, có các cây bút cừ khôi như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn… viết nhiều. Nổi bật có tờ báo Phá ngục được làm bằng cách dùng vỏ sò, san hô nung làm phấn, viết trên nền (sàn) nhà, thông tin được truyền đi trong nhà tù. Sau năm 1972 có nhiều tờ báo ra đời như, Sinh hoạt, Văn nghệ, Rèn luyện, Đoàn kết, Quyết tâm, Tiến lên, Niềm tin…
.JPG)
Nội dung thứ hai: Vì nước dấn thân, vì dân cất tiếng được thể hiện qua 3 tiểu mục. “Dấn thân vì nước”; “Hóa thân cho Tổ quốc”; “Vì dân cất tiếng” đề cập đến những câu chuyện của những nhà báo, chiến sỹ, vượt qua gian khó, sẵn sàng hy sinh để có những tác phẩm chân thực về cuộc chiến, có nhiều tấm gương nhà báo, liệt sỹ tiêu biểu như, Trần Mai Ninh, Trần Kim Xuyến, Bùi Đình Túy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Đình Dư, Tô Chức, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Phạm Thị Ngọc Huệ, Lương Nghĩa Dũng, Phạm Thị Kim Oanh… Đồng thời ở nội dung này cũng giới thiệu, dù trang thiết bị thô sơ, mỗi tờ báo dù xuất bản trong hoàn cảnh tù đày hay giữa chiến trường ác liệt, nội dung đăng tải đều mong muốn góp phần cất cao tiếng nói vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước.
.JPG)
Tại lễ khai mạc, các đại biểu tham dự được gặp gỡ, giao lưu cùng các cựu tù Hỏa Lò, Côn Đảo, Sơn La, các nhân chứng lịch sử là các nhà báo chiến trường năm xưa, như: nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành; nhà báo Trần Hồng; nhà báo Trịnh Hải; đại diện gia đình nhà báo liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo chiến trường Chu Quang Tuấn...
Trưng bày kéo dài đến hết ngày 31/12/2022 tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tuấn Hải