Rừng báng một thuở, bây giờ lại xanh…
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, rừng báng đã biến mất hoàn toàn từ hơn 100 năm trước, trên đất Đình Bảng sau đó không còn bóng dáng một cây báng nào nữa, các thế hệ người dân địa phương sau này cũng không ai biết cây báng là cây gì, có hình dạng như thế nào. Thuở xưa, rừng báng và Cổ Loa là hai đại danh thắng của phủ Đông Ngàn nhưng Cổ Loa thì còn mà rừng báng thì mất.
Tưởng rằng rừng báng mãi mãi chỉ còn lại trong ký ức, trong những huyền tích, trong các câu chuyện kể, trong trí tưởng tượng và trong niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhưng thật bất ngờ, trong dịp Tết trồng cây Xuân Nhâm Thìn 2012, gần 200 cây báng non lại được trở về đâm chồi nảy lộc trên vùng đất địa linh nhân kiệt – quê hương các vua Lý sau ngót 100 năm mất dấu. Bây giờ, về thăm đền Đô, du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng loài cây huyền thoại trên đất kẻ báng xưa kia. Hiện có 25 cây báng cao hơn 10 mét đã được trồng trong khuôn viên đền Đô: khu Văn Chỉ (9 cây), Võ Chỉ (8 cây) và Nhà Bia (8 cây) và 23 cây trồng ở lăng vua Lý Thái Tổ và 8 cây trồng ở lăng vua Lý Thái Tông, 4 cây trồng ở chùa Ứng Tâm - nơi Lý Công Uẩn sinh ra. Số cây còn lại nhỏ hơn được ươm trồng ở một khu vực riêng để tiếp tục nhân cấy.

Những cây báng trên đất Đình Bảng
Người Đình Bảng đi tìm cây báng giống
Người có công lớn nhất trong việc tìm kiếm và đưa cây báng về trồng lại chính là một người con của quê hương Đình Bảng. Ông là Thiếu tướng. TSKH Nguyễn Quang Bắc, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Ông đã dành nhiều thời gian, tâm sức để đi tìm đúng giống cây báng của đất Kẻ Báng xưa kia.
Với mong muốn gây dựng lại rừng báng để giữ lại một giống cây kỷ niệm, gắn với nguồn cội quê hương và các bậc tiền nhân, góp phần giữ gìn văn hóa của dân tộc, tri ân những người đã có công lớn xây dựng và bảo vệ đất nước. Cây báng với dáng vẻ uy nghi, hùng vĩ sẽ tăng thêm sự tôn nghiêm, linh thiêng vốn có của các khu đền, đình, chùa, lăng mộ. Khi cây đã lớn, rừng đã xanh mát sẽ là danh lam thắng cảnh, điểm đến thú vị với nhiều giá trị sinh thái cho du khách trong nước và quốc tế”.
Những hàng cây báng đang phát triển xanh tươi trong khuôn viên đền Đô, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng chung sức của các thế hệ người dân Đình Bảng, chắc chắn chẳng bao lâu nữa, một rừng báng bạt ngàn sẽ lại xanh tốt rậm rạp trên quê hương các vua Lý...
Bằng những cơ sở về khả năng khôi phục rừng báng, nhiều chuyên gia lâm nghiệp và sinh thái đã tìm hiểu và khẳng định đặc tính ưu việt của cây báng với hệ sinh thái đồng bằng Bắc bộ hiện nay.
PGS. TS. Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định: cây báng chính là cây gùa (các tên gọi khác là: gừa, đa gáo, đa chai, sung chai). Đây là dạng cây gỗ thân hình trụ, thường có bạnh vè, cây trưởng thành chiều cao phổ biến khoảng 20 - 25m, cá biệt cao tới 40m. Vỏ màu xám sáng, thịt vỏ dày, có nhựa mủ trắng. Cây ưa sáng, sinh trưởng nhanh. Sống được ở rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh, thường là núi đất ở độ cao phổ biến dưới 1.000m; cũng có thể trồng ở ven đường, quanh nhà hoặc trồng làm bóng mát và làm cảnh. Mùa hoa phổ biến tháng 4 - 6, mùa quả phổ biến tháng 6 - 8. |
Thuận Cẩm