* JTB-TNT là liên doanh du lịch giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản, vậy ông có thể cho biết về đặc điểm, xu hướng thị trường khách Nhật Bản đến Việt Nam hiện nay?
Du khách Nhật Bản thường chú trọng đến 3 mục đích khi đi du lịch: tham quan, ẩm thực và mua sắm. Theo nghiên cứu của JTB, đối với điểm đến Việt Nam, tiêu chí “ẩm thực” được khách du lịch Nhật Bản xếp cao nhất trong 3 tiêu chí trên, sau đó là “tham quan” thắng cảnh tự nhiên và di sản/kỳ quan thế giới, còn “mua sắm” ở mức cuối. Món ăn Việt Nam được người Nhật Bản đánh giá là đa dạng, ngon, bổ dưỡng và rẻ, nhiều điểm phù hợp với khẩu vị ăn uống của người Nhật Bản.
Về điểm đến yêu thích của du khách Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nay miền Bắc có Hạ Long và Hà Nội là 2 điểm chính, tuy nhiên đường bộ từ Hà Nội đi Hạ Long mất đến 4 giờ đang là một trở ngại. Miền Trung thu hút khách Nhật Bản với Đà Nẵng – nơi có các khu nghỉ dưỡng cao cấp bên bờ biển đẹp; Hội An - nơi có lịch sử liên hệ với Nhật Bản về thương mại và Huế - hiện đang là điểm đến được quảng bá mạnh (rất tiếc là Huế chưa có đường bay trực tiếp từ Nhật Bản, trong khi khách Nhật Bản ít khi đi du lịch dài ngày). Miền Nam có TP. Hồ Chí Minh là điểm đến được khách Nhật Bản lựa chọn vì đây là cửa ngõ quốc tế thuận tiện với nhiều dịch vụ ăn uống, làm đẹp đa dạng, giá rẻ; đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần tính hấp dẫn đối với du khách Nhật Bản so với những năm đầu mở cửa…
Cùng với xu hướng đang tăng mạnh của đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, không chỉ người Nhật Bản (khách du lịch – thương gia, người làm việc, …) đến từ Nhật Bản sẽ tăng lên mà số người sinh sống – làm việc tại Việt Nam có nhu cầu đi lại, giải trí, du lịch Nhật Bản sẽ là đối tượng khách cần phục vụ của ngành Du lịch Việt Nam.
*Mô hình liên doanh du lịch như JTB-TNT có lợi thế và hạn chế gì so với các mô hình doanh nghiệp khác, đặt trong bối cảnh tại Việt Nam hiện nay?
Chúng tôi có lợi thế là được tham gia và sử dụng một mạng bán rất chuyên nghiệp và lớn của công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản (trên toàn nước Nhật và nhiều nước trên thế giới mà JTB có mặt). Chúng tôi có nhiều thời gian để tập trung vào việc xây dựng sản phẩm – cung cấp thông tin điểm đến, phục vụ tốt khách du lịch của mình để phát triển mà không phải lo nghĩ việc đối thủ có thể giành giật đối tác. Một lợi thế khác đó là cán bộ, nhân viên người Việt Nam làm việc ở các vị trí trong công ty có thể học hỏi được phương thức, kỹ năng làm việc – điều hành – quản lý từ một công ty du lịch chuyên nghiệp, quy mô lớn và có kinh nghiệm trên 100 năm về thị trường khách Nhật Bản.
Điểm hạn chế so với trước khi liên doanh là công ty bị giới hạn trong việc phát triển hợp tác kinh doanh với những đối tác khác ở thị trường Nhật Bản (và tất nhiên họ cũng bị giới hạn tương tự với những đối tác khác ở thị trường Việt Nam).
* Theo ông, hiện nay địa phương nào ở nước ta có cách làm du lịch hiệu quả mà các địa phương khác cần học hỏi?
Những năm gần đây, địa phương có những quyết sách chiến lược và quy hoạch - đầu tư đúng tạo điều kiện phát triển thế mạnh du lịch của mình là Đà Nẵng. Chính quyền địa phương đã định hướng xây các khu nghỉ cao cấp ven biển Mỹ Khê, Sơn Trà; đồng thời tập trung đầu tư vào hạ tầng (sân bay, cầu - đường, khách sạn…) làm cho Đà Nẵng nhanh chóng trở thành cửa ngõ dẫn đến các di sản miền Trung (Huế, Hội An, Mỹ Sơn). Với vị thế tạo ra đó, Đà Nẵng hiển nhiên là trung tâm du lịch của khu vực – dù không sở hữu các di sản nổi tiếng nhưng phần lớn du khách quốc tế sẽ đến đây để lưu trú trong suốt thời gian du lịch.
Ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 cửa ngõ chính của du khách khi đến Việt Nam, thì Quảng Ninh cũng đã hình thành bước đầu ngành công nghiệp du lịch trên biển ở vịnh Hạ Long (sản phẩm đã có sự chuyên môn hóa, nâng cấp về chất lượng); Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn còn là một lựa chọn về du lịch biển cao cấp nhưng vẫn chưa tìm ra được sản phẩm du lịch riêng hấp dẫn hơn; Phan Thiết (Bình Thuận) với cách làm vội vàng và bãi tắm chưa thật đẹp có thể là khu vực tập trung khách nghỉ dưỡng tầm trung bình. Ninh Bình sở hữu một quần thể danh thắng và phong cảnh thiên nhiên tương đối đậm đặc cùng với sự phát triển đồng đều của đời sống xã hội (khác hẳn so với mặt bằng khu vực xung quanh), nếu rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội sẽ là một điểm đến tốt cho khách quốc tế.
* Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, những doanh nghiệp liên doanh du lịch cần sự hỗ trợ thế nào từ cơ quan quản lý nhà nước, thưa ông?
Tổng cục Du lịch cần có kế hoạch và bộ phận chuyên trách nghiên cứu toàn diện về các thị trường du lịch tiềm năng đối với điểm đến Việt Nam: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đông Nam Á, Đài Loan, Nga, châu Âu, Mỹ, Australia… đặc biệt là những thị trường có đường bay thẳng đến Việt Nam. Như thế, từng địa phương, các công ty lữ hành, các đơn vị cung cấp dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, cửa hàng…) của ta mới có thêm nguồn thông tin thực sự hữu ích để hoạch định quy hoạch, đầu tư và tiếp thị hiệu quả.
Trong điều kiện kinh phí Nhà nước dành cho quảng bá du lịch còn eo hẹp, Tổng cục Du lịch cần thiết lập và duy trì thường xuyên quan hệ hỗ trợ - hợp tác với các hãng lữ hành nước ngoài lớn hoặc đã làm lâu năm, hiệu quả tại thị trường Việt Nam để có thể tận dụng mạng bán rất thiết thực của những đối tác này quảng bá cho Du lịch Việt Nam. Kinh nghiệm của Vietnam Airlines hợp đồng với JTB Nhật để quảng bá – bán vé máy bay cho điểm đến Việt Nam trên mạng bán toàn nước Nhật từ năm 2011 đến nay đã tạo ra hiệu ứng tốt với du khách, tăng doanh số và số lượng khách trong khi các thị trường khu vực giảm.
Để giúp cho công tác xúc tiến – quảng bá, xây dựng – bán sản phẩm du lịch năng động, hiệu quả, phát huy hết được thế mạnh của mọi cấp, mọi thành phần, Tổng cục Du lịch cần chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin chuẩn về các điểm đến toàn quốc (kể cả hình ảnh, video clip đạt chuẩn cho việc in ấn, xuất bản), phổ biến rộng rãi, công khai trên trang website…
*Xin cảm ơn ông Nguyễn Văn Tấn!
PV (thực hiện)