Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu khai mạc
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhấn mạnh ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam ( EVFTA), Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam và EU, bởi EU là thị trường quan trọng của Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư. Năm 2014 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU mở rộng 8,8% khi EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc), đạt thặng dư 2 tỷ USD trong năm 2014.
Hiện Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận toàn diện về tất cả các khía cạnh thương mại và hợp tác, bao gồm cả phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, với cam kết mạnh mẽ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước-doanh nghiệp tư nhân khi tham gia các hoạt động thương mại. Đặc biệt, khi 99% các dòng thuế được gỡ bỏ, Việt Nam sẽ tự do hóa 65% thuế nhập khẩu các mặt hàng có xuất xứ từ EU khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực và tiến tới tự do hóa các phần thuế còn lại trong những năm tiếp theo. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ thuế dần trong vòng 7 năm.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng trên 15% và giá trị kim nghạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng gần 35%.
“Hiện Việt Nam đang tích cực triển khai rà soát các vấn đề pháp lý có liên quan để Hiệp định sớm có hiệu lực, dự kiến vào năm 2018”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ - trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU trong những năm qua, đến năm 2015 Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU, là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của EU trong ASEAN, EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 của Việt Nam và các dự án đầu tư từ EU đang tăng nhanh rõ rệt trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy “một tương lai đầy hứa hẹn”, ông Bruno Angelet nhận định và cho rằng Hiệp định EVFTA đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ thương mại, kinh tế, đầu tư giữa EU và Việt Nam. Việc công bố Sách Trắng 2016 (ấn phẩm lần thứ 8) là tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp EuroCham hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, phản ánh những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để qua đó thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý và phát triển môi trường kinh doanh tiến bộ hơn.
Trong khuôn khổ chương trình, các tiểu ban ngành nghề (đóng góp chính cho Sách Trắng 2016) đã tổ chức các phiên thảo luận chuyên đề với các Bộ, ngành liên quan, bao gồm: Pháp luật, Thuế, Hải quan và Phát triển môi trường kinh doanh; Thực phẩm và Sức khỏe, Lựa chọn của người tiêu dùng… Trong lĩnh vực du lịch, tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn đã đánh giá cao việc miễn thị thực cho 5 nước châu Âu và Belarus cũng như việc Việt Nam đã thực hiện một bước đi mạnh mẽ là cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Đây là động thái quan trọng để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số vấn đề vướng mắc cũng đã được các chuyên gia phân tích trong phiên thảo luận, như sự rườm rà trong chính sách thị thực xuất nhập cảnh; sự hạn chế trong việc xúc tiến quảng bá, tiếp thị điểm đến do nguồn kinh phí đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; vấn đề cho thuê đất làm dự án du lịch, nghỉ dưỡng và các chính sách thuế liên quan cũng còn những yếu tố không tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. “Rõ ràng những vấn đề này đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành để giải quyết”, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch-Nhà hàng-Khách sạn nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đặt ra tại cuộc họp báo về khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, khi hiện có tới 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; cơ hội rộng mở đối với hàng Việt Nam xuất khẩu khi các dòng thuế được cắt giảm song liệu các doanh nghiệp có đáp ứng được các tiêu chuẩn nhập khẩu hay không? Việc cho thuê lao động sẽ tạo áp lực ra sao đối với lao động trong nước…. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, các doanh nghiệp EU có nhiều kinh nghiệm trong việc thâm nhập thị trường do họ có ưu thế nổi trội về các thủ tục pháp lý, công nghệ, trình độ khoa học kỹ thuật, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam nắm vấn đề này khá mơ hồ. Vì vậy, việc ra đời một trung tâm hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp cả 2 bên là điều hết sức quan trọng để tiếp sức cho các doanh nghiệp tiếp cận nắm bắt cơ hội mở ra từ Hiệp định này. Trưởng các Tiểu ban ngành nghề đánh giá những thế mạnh các mặt hàng xuất khẩu sang EU như nông, thủy, hải sản… đồng thời khuyến nghị các nước EU đưa ra những tiêu chuẩn rất cao đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là với thực phẩm, do đó Việt Nam cần sớm áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng cần hết sức lưu ý vấn đề thuế chống bán phá giá, hoặc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tập trung vào một thị trường gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh…
Trong phần phát biểu bế mạc, bà Nicola Connolly, Chủ tịch EuroCham cho rằng lễ công bố Sách Trắng 2016 là khởi điểm cho các cuộc đối thoại chuyên sâu với các bộ, ngành liên quan để giải quyết các ‘nút thắt”. Hội thoại triển vọng hợp tác kinh tế giữa EU và Việt Nam sẽ được tiếp nối bằng nhiều sự kiện để qua đó cung cấp các thông tin cụ thể hơn về EVFTA.
Việt Hùng