Triển khai thí điểm việc hỗ trợ tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy
(VTR) - Ngày 13/10/2014, tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) đã tổ chức Hội thảo triển khai thí điểm Quyết định 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết: trong các nhóm đối tượng được vay vốn, người sau cai nghiện, số người trong độ tuổi lao động rất lớn, vì vậy cần tìm ra những giải pháp tích cực để giúp họ có được những tư liệu sản xuất, có ngành nghề nhằm tạo công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng; các tỉnh được chọn thí điểm cần thực hiện tốt Quyết định 29/2014/QĐ-TTg để đến năm 2017 có thể triển khai toàn diện trên toàn quốc.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình sinh kế cho nhóm người dễ bị tổn thương và kết quả khảo sát về khả năng tiếp cận với nguồn vốn sẵn có; thảo luận đưa ra giải pháp triển khai có hiệu quả Quyết định 29/2014/QĐ-TTg. Ngân hàng chính sách xã hội cũng có hướng dẫn cụ thể về quy trình, nghiệp vụ cho vay.
Hội thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh trong việc thực hiện thí điểm: tổ chức tuyên truyền đến các nhóm người là đối tượng được vay vốn về mục đích, ý nghĩa của chính sách mới, các quy định về vay vốn, hướng dẫn cho họ trình tự, thủ tục vay vốn; cùng với ngành Y tế, Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội nắm tình hình nhu cầu vay vốn của 4 nhóm trên địa bàn để xây dựng kế hoạch, kinh phí cho vay vốn hàng năm; theo dõi diễn biến quá trình vay vốn, tìm ra những nguyên nhân, yếu tố dẫn đến việc vay vốn hiệu quả hay kém hiệu quả (ở từng khâu hoặc cả quá trình), xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, kết nối với các tổ chức xã hội hỗ trợ người vay vốn về tư vấn kỹ năng làm ăn, kỹ thuật, kèm cặp, tiêu thụ sản phẩm... để việc vay vốn có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro.
Theo quy định, mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá mức cho vay đối với cá nhân là 20 triệu đồng/người, 30 triệu đồng/hộ; có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không được vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định này.
Trong giai đoạn thí điểm từ năm 2014 – 2016 sẽ thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố với thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng, từ năm 2017 sẽ thực hiện mở rộng trên phạm vi toàn quốc và kéo dài thời hạn cho vay lên 60 tháng.
TH