Giải báo chí quốc gia năm 2011 có số lượng tác phẩm dự giải cao, với 1268 tác phẩm ở 8 thể loại. Các tác phẩm đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Một số tác phẩm có chất lượng cao trong việc thực hiện chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm đi sâu giới thiệu nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong mọi mặt của đời sống; điều tra tiêu cực, thể hiện thái độ chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí một cách quyết liệt. Các nhà báo cũng vào cuộc mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo và mảng đề tài về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Nhiều tác phẩm đã bám sát những sự việc "nóng" để có những phân tích khá sâu sắc. Nhiều tác phẩm và nhóm tác phẩm được thực hiện rất công phu, chứng tỏ sự lao động nghề nghiệp nghiêm túc của người viết trong quá trình thu thập tài liệu và thể hiện ý tưởng.
Từ 153 tác phẩm báo chí được lựa chọn vào chung khảo, Hội đồng Giám khảo đã tuyển chọn được 95 tác phẩm xuất sắc, gồm: 2 giải A, 23 giải B, 39 giải C và 31 giải Khuyến khích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải A cho hai nhóm tác giả
Trong số hai giải A, một giải thuộc nhóm tác giả: Trần Cẩm, Duy Nghĩa, Lô Thắng, Việt Anh, Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm phim tài liệu và phóng sự - Đài THVN) với tác phẩm “Tượng đài Bác Hồ giữa thủ đô nước Nga”; giải A còn lại của nhóm tác giả: Lê Phúc, Lê Bình, Thùy Vân, Thu Lan, (Đài TNVN) với tác phẩm: “Chủ quyền Hoàng Sa,Trường Sa, nhìn từ công pháp quốc tế”.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Lực lượng báo chí đã đóng vai trò rất quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước. Với trên 17.000 phóng viên, biên tập viên, báo chí cách mạng nước ta cần tiếp tục phản ánh, khai thác và nhân lên những điều tốt đẹp, đấu tranh lấn át được những thông tin với dụng ý xấu, không chân thực, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, báo chí phải trở thành lực lượng chuyên nghiệp./.
Hồng Mai