.jpg)
Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng Ban Tổ chức giải cho biết, tham dự giải là các tác phẩm thuộc nhiều thể loại bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí tuyên truyền về văn hóa ứng xử được đăng, phát trên các loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/8/2020. Nội dung các tác phẩm tham gia giải đảm bảo tính chân thực, người thật, việc thật, có tính chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện cao; phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn. Đồng thời, đối tượng phản ánh là những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử, trên các lĩnh vực: Văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, bệnh viện, công sở, nơi công cộng...
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, để có được những tác phẩm báo chí tiêu biểu về các chủ đề trên, phải kể đến công sức lao động không biết mệt mỏi của các phóng viên, biên tập viên đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh sâu sắc, toàn diện những tấm gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến để biểu dương, nhân rộng; đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.
“Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, báo chí thực sự đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, khơi dậy, phát huy tinh thần và truyền thống nhân ái trong toàn xã hội” – Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định.
Sau hơn 1 năm phát động, từ tháng 8/2019, Ban Tổ chức đã nhận được 358 tác phẩm ở 5 thể loại báo in, báo điện tử, báo hình, báo nói và ảnh báo chí của gần 70 tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 60 cơ quan báo chí và đông đảo cộng tác viên trên toàn quốc.
Qua hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 37 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất và 8 cơ quan báo chí tích cực tham gia và đạt nhiều giải, để trao giải.
.jpg)
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 8 giải tập thể gồm: 1 giải Nhất thuộc về Báo Hà Nội mới, 1 giải Nhì - Báo Văn hóa, 1 giải Ba – Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh và 5 giải Khuyến khích.
Giải cá nhân thể loại báo in, giải Nhất được trao cho loạt bài “Văn hóa công sở - Văn hóa người Hà Nội” đơn vị Báo Hà Nội mới, cùng 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
.jpg)
Giải cá nhân thể loại báo điện tử, giải Nhất thuộc về loạt bài “Vinh danh những người tuyến đầu chống dịch Covid-19” đơn vị Báo Lao động, cùng 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.
Thể loại báo hình cá nhân, giải Nhất thuộc về tác phẩm “Không biết mình là ai” của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam, cùng 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.
Thể loại báo nói cá nhân, giải Nhất thuộc về loạt bài “Nghĩa tình bộ đội Cụ Hồ ở châu Phi” của Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội, cùng 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích cho thể loại ảnh báo chí cá nhân.
Giải báo chí về chủ đề "Văn hóa ứng xử" đã, đang và sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên, khuyến khích các cơ quan báo chí, các nhà báo trong việc đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa những nét đẹp, những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội.
Ban Tổ chức cuộc thi mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được, đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo dựng nét đẹp mới, lan tỏa hành động tích cực, những giá trị văn hóa trong cộng đồng.
GK