Trang trại du lịch bò sữa DairyFarm: điểm dừng chân thú vị trên cao nguyên Mộc Châu
Anh Khương kể về Mộc Châu một cách đầy cảm hứng, giọng điệu sôi nổi xen lẫn chút tự hào, nhất là khi anh nói về chăn nuôi bò sữa – điểm sáng của kinh tế Mộc Châu, mà theo anh đó chính là “thương hiệu” của Mộc Châu, bởi “nói đến Mộc Châu là người ta nghĩ ngay đến những trang trại bò sữa”.
Anh bảo, Mộc Châu là nơi tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của Sơn La và có thể của cả vùng núi Tây bắc. Thiên nhiên ưu đãi ban tặng khí hậu hết sức đặc thù, “là tài nguyên trời cho” để phát triển du lịch, kết hợp nông nghiệp, nông trại với du lịch trở thành một loại hình độc đáo mang đến những trải nghiệm và cảm nhận khác biệt cho du khách mọi miền…
“Những năm trước đây, khách du lịch đến Mộc Châu còn rất ít, chủ yếu là những nhóm tự đi khám phá theo kiểu tự phát. Cho đến năm 2015, Mộc Châu được công nhận Khu du lịch quốc gia, kể từ đó du lịch mới thực sự phát triển. Trước thực tế nhu cầu tham quan, trải nghiệm, mua sắm của du khách khi đến với Mộc Châu ngày một tăng cao, trong khi các điểm phục vụ du khách còn quá ít, Công ty Bò sữa Mộc Châu đề nghị phải có một điểm dừng chân để giới thiệu cho khách du lịch về quy trình chăn nuôi bò sữa, cách thức để có chất lượng sữa tốt nhất, cũng như bán các sản phẩm chế biến từ sữa cho du khách mang về làm quà. Trang trại du lịch bò sữa Daily Fram ra đời như vậy”, Giám đốc Trang trại du lịch bò sữa DairyFarm Trần Văn Khương chia sẻ.
“Daily Fram được triển khai xây dựng tháng 5/2016, và đến tháng 9/2016 mở cửa đón khách, dù thời gian hoạt động chưa dài, lại bị ngắt quãng vì Covid-19, nhưng bước đầu đã tạo được ấn tượng với du khách khi đến cao nguyên Mộc Châu”.
Hiện Mộc Châu có khoảng 600 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa với số lượng bò vào khoảng trên 20.000 con, bình quân mỗi con bò cho sữa đạt 24 đến 25 lít sữa/ ngày. Sản lượng sữa tươi đạt trên 200 tấn/ngày, được công ty bò sữa Mộc Châu thu mua toàn bộ.
“Mộc Châu được biết tới là nơi cung cấp lượng sữa tươi lớn nhất của cả nước, nhưng có mấy ai biết để có được sản lượng sữa khủng như vậy, quy trình chăn nuôi ngặt nghèo thế nào, vất vả ra sao…”, anh Khương bày tỏ.
Bởi vậy, khi đến với trang trại du lịch bò sữa Mộc Châu DairyFarm, du khách sẽ có điều kiện tham quan mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi điển hình; được tìm hiểu và trải nghiệm thực tế về quy trình chăn nuôi và tham gia vào một số quy trình như cắt cỏ, cho bò ăn và điều thú vị hơn hết là du khách sẽ được trực tiếp tận tay vắt sữa sau đó sẽ được thưởng thức ngay tại trang trại, hứa hẹn sẽ mang lại cảm giác thú vị khi đến cao nguyên Mộc Châu xinh đẹp.
“Nói về quy trình chăn nuôi bò sữa thì rất dài, có thể vắn tắt thế này, con bê được nuôi đến tầm 14 tháng tuổi thì mới phối giống lần đầu tiên, sau đó mang thai 9 tháng và đẻ lứa đầu, từ đó mới có sữa; nhưng không phải con bò sẽ cho sữa mãi, mà chỉ trong vòng 10 tháng là kết thúc chu kỳ cho sữa (305 ngày/năm); con bò đẻ lứa đầu tiên sau 2 tháng, lại tiếp tục phối giống, nhưng thời gian này phải cho bò nghỉ để phục hồi sức khỏe cũng như chất lượng sữa tốt, sau đó tiếp tục đẻ lứa tiếp theo, chu trình như vậy kéo dài khoảng 8 lứa thì phải thải loại…”, anh Khương cho hay.
Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế thì phức tạp vô cùng. Những năm 2002 -2003, người nuôi bò sữa ở Mộc Châu tăng mạnh vì hiệu quả kinh tế cao từ bò sữa, phù hợp điều kiện hộ gia đình, khí hậu…, thu hút người dân đầu tư phát triển chuồng trại chăn nuôi, mở rộng trang trại. Chuồng nuôi bò từ chỗ xập xệ, nhếch nhác được thay thế khang trang hơn, rồi các thiết bị hiện đại hơn như hệ thống tắm cho bò, rồi vắt sữa tự động…
Thời điểm đó giá công ty thu mua sữa của dân khoảng 14.000đ/kg, mỗi kg sữa lãi khoảng trên 3.000đ. Nếu một hộ nuôi khoảng 40 -50 con bò sau khi trừ mọi chi phí mỗi tháng lãi 50 triệu là chuyện hết sức bình thường…
Tuy nhiên, thị trường luôn luôn có những biến động, giá nguyên liệu đầu vào tăng lên rất cao từ thức ăn tinh bột. Giá sữa hiện tại trung bình khoảng 12.500 đ, nhưng lãi thấp (không được 1.000đ/kg).
Anh Khương tiết lộ, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, giá xăng dầu rẻ, vận chuyển dễ, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu còn nhập cỏ khô từ Mỹ về cho bò ăn, dù không phải là thức ăn chính nhưng với khẩu phần 3-4 kg/ngày với hàm lượng dinh dưỡng trong cỏ rất cao, nên cho chất lượng sữa rất tốt..
Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh ở gia súc, gia cầm cũng là điều đáng ngại với người chăn nuôi quy mô lớn. Theo anh Khương, tất cả các loài gia súc, gia cầm trong chăn nuôi đều có bệnh, nhưng với bò sữa sự an toàn cao hơn nhiều so với loài khác, vì tuân thủ tiêm phòng nhiều lần, một năm tính ra 9 mũi tiêm phòng/một con bò, nên bệnh thì có thể vẫn không thể tránh được hoàn toàn, nhưng dịch thì rất khó xảy ra. Thêm vào đó là phải tuân thủ quy trình chăn nuôi rất cầu kỳ, phải cho bò ăn theo tiêu chuẩn, phải ủ men cỏ, trộn theo công thức, tỷ lệ…
“Chúng tôi tâm niệm, đối với những du khách, việc trải nghiệm thực tế sẽ là điều rất đáng nhớ trong bất kỳ chuyến đi nào. Bởi vậy, khi đến DairyFarm, du khách có thể khoác lên mình bộ quần áo nông trường, tự tay cho bò ăn cỏ, uống nước, tắm cho bò và có thể vắt sữa bò sau khi đảm bảo các yếu tố vệ sinh cơ bản.
Đến với trang trại bò sữa Mộc Châu, quý khách được thoải mái thưởng thức sữa tươi cũng như đặc sản Mộc Châu mà không phải lo lắng hay suy nghĩ về vấn đề mua gì làm quà cho người thân, gia đình hay bạn bè… Nơi đây cũng chính là Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu nằm trong khuôn viên trang trại, tại đây quý khách có thể mua rất nhiều đặc sản từ sữa như sữa chua, sữa đặc, sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng… với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã mà hoàn toàn yên tâm về chất lượng, giá cả cũng như phong cách phục vụ...”, Giám đốc Trần Văn Khương bày tỏ.
H. Nguyễn