Khu Du lịch sinh thái Tràng An
Nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 7km, Tràng An là quần thể danh thắng - sinh thái tuyệt vời bởi sự kết hợp hài hòa giữa non nước, mây trời.
Với giá vé 200.000đ/người, du khách sẽ được tận hưởng hành trình bằng thuyền chèo tay, lựa chọn một trong hai tuyến tham quan chính: đền Trần - phủ Khống hoặc Hành Cung Vũ Lâm - suối Tiên.
Vào mùa lễ hội đầu năm, bến thuyền vô cùng tấp nập. Từng chiếc thuyền nhỏ chở 4 - 5 du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, các hang động kỳ ảo, được thông nhau bởi các thung nước chạy dài hàng cây số; tham quan các di tích lịch sử linh thiêng như đền Trình - ngôi đền nghìn tuổi nổi tiếng linh thiêng ở Ninh Bình hay đền Trần - ngôi đền đá cổ thờ Thánh Quý Minh Đại Vương - một vị tướng từ đời vua Hùng thứ 18.
Không khí trầm mặc, hào hùng của thời kỳ lịch sử gắn với sự thịnh - vong của triều nhà Đinh cách đây hơn 1.000 năm khiến những thủy động nơi đây mang vẻ đẹp lịch sử hấp dẫn du khách.
Hàng năm, Lễ hội Tràng An được tổ chức vào ngày 18/3 âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Thánh Quý Minh Đại Vương, và để kế thừa và phát huy vẻ đẹp văn hóa của vùng đất cố đô ngàn năm lịch sử tới du khách trong và ngoài nước.
Khu Du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính
Sau 3 tiếng lênh đênh trên thuyền du ngoạn ở Tràng An, hành trình du xuân đưa du khách đến với chùa Bái Đính - Khu Du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng. Nhìn từ xa, quần thể chùa Bái Đính nổi bật giữa những ngọn núi hùng vỹ. Quần thể chùa Bái Đính gồm khu chùa Bái Đính cổ, chùa Bái Đính mới, tháp Báo Thiên và tượng phật Di Lặc.
Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) có từ năm 1136, nằm gần đỉnh một vùng rừng núi yên tĩnh, do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập, gồm các điểm như: giếng Ngọc, động thờ Tổ Sư, động thờ Phật, động thờ Mẫu, ban thờ thánh Cao Sơn... Các công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa hiện nay là cổng Tam Quan, gác Chuông, điện Quán Thế Âm, điện Giáo Chủ, điện Tam Thế, Bảo Tháp và hành lang La Hán... Ngoài ra, chùa còn nhiều công trình vẫn đang tiếp tục xây dựng như: công viên văn hóa Phật giáo, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh, công viên cây xanh...
Chùa bái Đính đang nắm giữ nhiều kỷ lục như: tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Đại Hồng chung lớn nhất Việt Nam, tòa tháp Xá Lợi cao nhất châu Á…
Cùng tọa lạc trong không gian đất Phật, Tháp Báo Thiên hiện đang thờ Xá Lợi Phật cung rước từ Ấn Độ về là một kiệt tác kiến trúc Phật giáo kết hợp giữa văn hóa Phật giáo Việt Nam và Ấn Độ, góp phần tôn vinh giá trị tâm linh và văn hóa của chùa Bái Đính cũng như Phật giáo Việt Nam.
Khách hành hương đến chùa Bái Đính có thể đi bộ hoặc đi xe điện với giá 60.000 đồng/người (vé khứ hồi) để vãn cảnh và chiêm bái lễ Phật.
Hàng năm, chùa Bái Đính tổ chức lễ hội từ ngày mồng 1 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch (Lễ Khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch) để tưởng nhớ công ơn của Quốc sư Nguyễn Minh Không.
Để thu hút ngày càng nhiều du khách, chùa Bái Đính cũng triển khai tuyến tham quan Bái Đính về đêm để du khách có thể cảm nhận được vẻ đẹp huyền ảo trong không gian tĩnh lặng, thanh tịnh.
Một số thông tin cần thiết
- Tại khu chùa Bái Đính có rất nhiều các gian hàng bán đồ lưu niệm cũng như đặc sản hấp dẫn, tuy nhiên giá trên núi thường cao hơn bên ngoài rất nhiều. Nếu mua đặc sản về làm quà bạn nên xuống chân núi tìm mua giá sẽ rẻ hơn.
- Bạn không nên bỏ tiền lên các tượng phật làm mất mỹ quan khu chùa mà hãy để đúng vào các hòm công đức.
- Vì sẽ phải leo núi nhiều nên bạn hãy đi những đôi giày thể thao thoải mái thay vì đi giày cao gót hoặc giày búp bê để bảo vệ đôi chân của bạn cũng như tiện cho việc di chuyển. Nên chọn những bộ đồ lịch sự khi vào chùa, quần áo thoải mái không nên mặc đồ bó sát, không thấm mồ hôi.
- Tại Tràng An, nếu không biết bơi thì bạn nên thuê áo phao
- Khi mua bất kỳ đồ ăn thức uống, quà lưu niệm, phải hỏi giá cụ thể trước khi mua.
- Mang theo đủ giấy tờ tùy thân phòng trường hợp bất chắc và thuốc đau bụng phòng trường hợp bạn không hợp đồ ăn tại đây. |
Phương Hà