Sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim
Công ước Ramsar ra đời tại Iran năm 1971 công nhận các giá trị, lợi ích của vùng đất ngập nước (wetlands) và khuyến khích bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước này. Năm 1989, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phê chuẩn Công ước Ramsar, và trở thành thành viên thứ 50 tham gia Công ước này.
Vườn quốc gia Tràm Chim, có tổng diện tích 7.588ha, là một trong tám khu vực bảo tồn các loài chim quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Tràm Chim đã đáp ứng được 8 trong số 9 tiêu chuẩn của Công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước. Đây cũng là một trong tám vùng chim quan trọng nhất của Việt Nam và là nơi duy trì sự đa dạng sinh học cho cả vùng Đồng Tháp Mười.
Tràm Chim là nơi cư trú của trên 100 loài động vật có xương sống, 40 loài cá và 147 loài chim nước, trong đó có 13 loài chim quý hiếm của thế giới. Đặc biệt, loài đặc hữu là sếu đầu đỏ, một trong những loài chim quý hiếm của thế giới đang sinh sống tại đây với số lượng chiếm khoảng 60% trên tổng đàn sếu về khu vực đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm.
Như vậy, tính đến nay Việt Nam đã có bốn khu ramsar: vùng bãi bồi cửa sông ven biển thuộc vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định), vùng ngập nước Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai), khu hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn và nay là toàn bộ diện tích Vườn quốc gia Tràm Chim.
PV