TP. Hồ Chí Minh bàn cách gỡ khó trong việc đưa người nghiện đi cai bắt buộc
Tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh phản ánh hiện nay công tác tổ chức cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng trên địa bàn Thành phố có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc. Toàn Thành phố hiện có gần 12.000 người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định, trong đó có 841 người đang thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94 của Chính phủ. Việc thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp không ít khó khăn, như: khó xác định chính xác tình trạng nghiện do thời gian tạm giữ đối tượng ngắn, không thể xác định các trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp; chưa có quy định cụ thể về việc xử lý các trường hợp nghiện hút là người nước ngoài; quy định chỉ cho phép thực hiện các biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ 18 tuổi trở lên…
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu nhận định hiện nay tình trạng người nghiện ma túy trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến phức tạp, làm phát sinh tình trạng cướp giật, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong khi đó, công tác phòng chống ma túy, cai nghiện vẫn còn nhiều khó khăn do một số địa phương chưa nhận thức vấn đề đầy đủ.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung nghiên cứu toàn diện các quy định pháp luật, từ đó kiến nghị Trung ương bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống ma túy đối với các đối tượng nghiện ma túy dưới 18 tuổi; theo đó, bỏ hình thức quản lý người sau cai nghiện; cần có biện pháp xử lý bằng cách tập trung riêng vào cơ sở giáo dục để phục hồi sức khỏe...
Các Sở, ngành, quận, huyện cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, trong đó xác định công tác tuyên truyền là giải pháp trọng tâm.
PV