Đưa không gian văn hóa Mông đến Hà Nội
Lâu lắm rồi, Nhà hát Lớn mới dành sự ưu ái để giới thiệu riêng một vở diễn trong chương trình biểu diễn định kỳ. Không phải bởi vì tác phẩm “Mỵ” vừa rinh 2 giải: Chương trình nghệ thuật ấn tượng và Biên đạo múa xuất sắc nhất tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018, mà bởi vì đây sẽ là một chương trình nghệ thuật mang sắc màu khác với các chương trình đã được dàn dựng cho tour diễn này trước đó.
Được chuyển thể từ “Vợ chồng A Phủ” - một tác phẩm văn học tưởng như đã quá quen thuộc nhưng lại được “hồi sinh” mới mẻ, sáng tạo qua ngôn ngữ múa. Theo biên đạo múa Tuyết Minh, “Mỵ” không khai thác quá sâu nỗi đau, bi kịch của nữ nhân vật chính. Thông qua hình tượng Mỵ và câu chuyện tình đẹp với A Phủ, những đặc sắc của văn hóa Mông đã được khắc họa sinh động. Ê kíp đã dành 3 tỷ đồng đầu tư cho vở diễn để tạo dấu ấn từ trong cách dàn dựng, ánh sáng, nghệ thuật sắp đặt, đến trang phục… Tất cả đều toát lên văn hóa, cuộc sống và tâm tình của người Mông.
Cũng có thể vì tiếc công đầu tư 3 tỷ đồng, không muốn chỉ để đi tham gia các hội diễn, liên hoan nên Nhà hát Lớn Hà Nội, Công ty An Hưng và ekip sáng tạo đã quyết tâm bắt tay cùng thực hiện kế hoạch đưa vở diễn giới thiệu đến du khách quốc tế tại Hà Nội, vừa quảng bá cho vở diễn, vừa để làm giàu giá trị nghệ thuật cho tour tham quan Nhà hát Lớn sắp tới. Tổng Giám đốc Công ty An Hưng Nguyễn Thành Nam cho biết: Sau 10 đêm diễn trong năm 2018, vở diễn sẽ được chia ra làm 2 trích đoạn với độ dài 30 phút để đưa vào phần biểu diễn nghệ thuật trong tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngoài vở diễn “Mỵ”, các vở diễn mang sắc màu các dân tộc Việt Nam đang là chủ đề mà Công ty An Hưng hướng đến phục vụ tour tham quan đặc biệt này.
Vẫn mò đường tìm lối đi
Trong lần giới thiệu thử nghiệm tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật mang tính “lẩu thập cẩm” đã khiến các công ty lữ hành lắc đầu ngao ngán từ chối phối hợp hút khách. Đến nay, Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đang tìm một hướng đi mới để bên cạnh khai thác giá trị văn hóa kiến trúc của tour, còn nâng cao được giá trị nghệ thuật của thánh đường sân khấu. Thế nhưng, tại buổi họp báo sáng 12/9, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cũng mới chỉ chia sẻ được dự kiến thông tin tổ chức định kỳ vào năm sau, chưa cung cấp chương trình kế hoạch và gói tour cụ thể hơn.
Trước đó, khi mở tour, Ban quản lý Nhà hát Lớn đã đưa ra 2 gói tham quan với mức giá 120.000 đồng/người (không áp dụng xem nghệ thuật) và 400.000 đồng/người (thêm phần biểu diễn nghệ thuật). Khi tung ra 2 gói này, các đơn vị lữ hành đã kêu trời. Anh Nguyễn Hồng Nguyên - Công ty Hà Nội Tourist nhận xét: “Mức giá đó nói thẳng là đắt – khi mà chương trình mới tổ chức và chưa có thương hiệu”. Chính vì vậy, tour tham quan chỉ hoạt động được trong vòng 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2017) rồi lại đóng cửa. Theo lãnh đạo Nhà hát Lớn, vì lý do tu sửa nhà hát và tour tham quan chỉ là một phần công việc bên cạnh việc tổ chức biểu diễn của Ban quản lý nên đã phải tạm dừng. Nhưng nhìn chung ý tưởng biến Nhà hát Lớn trở thành điểm đến đặc biệt trong lộ trình tham quan Hà Nội của du khách đã dang dở vì chưa hấp dẫn.
Lộ trình năm 2019 tour tham quan sẽ trở lại, nhưng cũng phải sau chương trình biểu diễn “Mỵ”, giá vé của vở diễn cũng như tour du lịch cũng mới được Công ty An Hưng và Ban quản lý Nhà hát Lớn tiếp tục bàn thảo. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu để đưa ra mức giá có thể thu hút số đông” – ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Nguồn: kinhtedothi.vn