Tổng cục Du lịch góp ý Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Buổi làm việc nhằm trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của Tổng cục Du lịch về hai dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), và Đề án Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án), từ đó Sở VHTTDL Hà Giang sẽ bổ sung, hoàn thiện nhằm báo cáo UBND tỉnh triển khai giai đoạn 2021 - 2025 thiết thực và hiệu quả. Cùng dự buổi làm việc còn có Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu và đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang Nguyễn Hồng Hải đã nêu những nét chính trong dự thảo Kế hoạch và Đề án; đồng thời thông tin thêm về một số khu vực, điểm đến điểm nhấn, sản phẩm đặc trưng của Hà Giang. Theo Dự thảo Kế hoạch, Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 3 triệu lượt khách, tổng thu đạt 5.100 tỷ đồng, cơ sở lưu trú đạt 8.800 buồng, tạo việc làm cho 14.100 lao động trực tiếp; phấn đấu đến năm 2030 đón 5 triệu lượt khách, tổng thu đạt 10.500 tỷ đồng, cơ sở lưu trú đạt 14.000 buồng, tạo việc làm cho 20.000 lao động trực tiếp, Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Khu Du lịch quốc gia. Theo Dự thảo Đề án, Hà Giang sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế nhằm thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Hà Giang; xây dựng, phát triển thương hiệu Hà Giang thống nhất và nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm vào năm 2025.
Góp ý cho hai Dự thảo Kế hoạch và Đề án, đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch nhất trí cho rằng hai dự thảo đã bám sát được chiến lược, phù hợp với sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, Du lịch Hà Giang cần xem xét số liệu cho hợp lý, có nội hàm hơn để phản ánh rõ hơn thực trạng của địa phương; tập trung các nhiệm vụ điểm nhấn có tính khả thi; nhấn mạnh vào các hoạt động thu hút đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển sản phẩm du lịch trọng tâm, phù hợp với các đối tượng khách; công tác xúc tiến quảng bá phải có sự tham gia của các doanh nghiệp, hướng đến hiệu quả và chủ đề thương hiệu; chuyển đổi số cần tập trung vào e-marketing...
Liên quan tới sản phẩm du lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, Hà Giang nên chú trọng xây dựng sản phẩm đặc trưng khu vực cột cờ Lũng Cú, bên cạnh đó chú ý công tác bảo vệ môi trường và đầu tư hạ tầng giao thông trong khi triển khai các Kế hoạch, Đề án. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao tính chủ động hợp tác của Sở VHTTDL Hà Giang và mong muốn Hà Giang hợp tác tốt hơn nữa với Tổng cục Du lịch trong việc triển khai Kế hoạch và thực hiện Đề án.
Đánh giá cao nỗ lực tham gia của Sở VHTTDL Hà Giang đối với các sự kiện do Tổng cục Du lịch phát động, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thông qua buổi làm việc này, Tổng cục Du lịch sẽ nắm bắt được thông tin, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Đối với Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Hà Giang, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị cần cụ thể hóa Kế hoạch, nhấn mạnh các đặc điểm, đặc trưng của Hà Giang, đặt ra mục tiêu có tham vọng dựa trên các số liệu dự báo chính xác. Sở VHTTDL Hà Giang cần phối hợp tốt với Tổng cục Du lịch, từ đó triển khai thành công, hiệu quả công tác phát triển Du lịch Hà Giang. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đồng thời nhấn mạnh Hà Giang cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản du lịch nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương sau khi dịch Covid-19 được khống chế.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, khách du lịch đến Hà Giang tăng bình quân 14,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Giang đón 419.291 lượt, trong đó khách quốc tế 41.649 lượt, tổng thu từ du lịch đạt 616,7 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 5 công ty kinh doanh lữ hành nội địa; 824 cơ sở lưu trú (trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 14 khách sạn 2 sao); 250 nhà hàng...
|
Hạ Tinh