Tổng cục Du lịch gặp mặt đoàn cán bộ nguyên lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch ĐBSCL
Tại buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã giới thiệu những kết quả của ngành Du lịch đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, Tổng cục trưởng nhấn mạnh tới việc Luật Du lịch sửa đổi 2017 được Quốc hội thông qua là bước rất quan trọng để Du lịch Việt Nam phát triển; Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017, cùng với đó Thủ tướng Chính phủ ra Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các đề án, trong đó có đề án ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đều đạt được những chỉ tiêu quan trọng về khách du lịch, doanh thu; bên cạnh đó là các đề án cơ cấu ngành du lịch, xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, ứng dụng tổng thể phát triển công nghệ thông tin trong ngành Du lịch...
Với những định hướng và chính sách phù hợp trên, năm 2018, ngành Du lịch Việt Nam thu hút trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế, đón và phục vụ trên 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch khoảng 637.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 27 tỷ USD), đóng góp cho GDP khoảng 8,4%. 9 tháng đầu năm 2019, Du lịch Việt Nam đón trên 12,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 60 triệu lượt khách du lịch nội địa. Hiện nay, Du lịch Việt Nam vẫn giữ được đà phát triển, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018, tổng thu 504.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây có thể coi là tốc độ tăng trưởng cao bởi trong 6 tháng đầu năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam vượt Indonesia để vươn lên vị trí thứ 4 trong báo cáo của PATA (sau Thái Lan, Malaysia, Singapore). Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh của thế giới tháng 9/2019, Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể từ vị trí 67/136 nền kinh tế đã vươn lên vị trí 63/140 nền kinh tế.
Những năm qua, ngành Du lịch được nhiều tổ chức trên thế giới vinh danh và bầu chọn ở nhiều hạng mục cao quý. Tại Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) dành cho khu vực châu Á và châu Đại dương vừa diễn ra tại Phú Quốc (Kiên Giang), Việt Nam đã được tôn vinh tại 4 hạng mục quan trọng: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á: Hội An, và 25 doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành của Việt Nam cũng vinh dự được nhận giải thưởng. Đây là năm thứ hai liên tiếp Du lịch Việt Nam đạt được danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Đặc biệt, mặc dù được thế giới đánh giá cao từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được Giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới công nhận và ghi danh “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ được nhận giải thưởng “Điểm đến Golf hàng đầu châu Á” thuộc khuôn khổ giải thưởng Golf thế giới 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 29/10/2019 tại Abu Dhabi. Trước đó, Việt Nam đã hai năm liên tiếp giành được giải thưởng này.
“Đây là kết quả của cả một quá trình xây dựng và hoạt động, được tích tụ từ nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo của Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, những người làm du lịch trong nhiều năm qua” - Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, để đạt được mục tiêu đề ra thì ngành Du lịch cần điều chỉnh lại cơ cấu thị trường khách, đa dạng hóa thị trường khách du lịch, đặc biệt cần tháo gỡ một số điểm nghẽn: hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở xã hội và hạ tầng du lịch, trong đó quan tâm đến vai trò kết nối giữa du lịch và hàng không; chính sách visa; văn phòng đại diện xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài; kinh phí đầu tư còn hạn chế; đảm bảo an ninh an toàn, chất lượng môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Thay mặt đoàn cán bộ nguyên lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo Sở Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Đặng Văn Tín bày tỏ niềm vui vì ngành Du lịch đã có nhiều thay đổi và có những bước phát triển đáng tự hào để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
PV