![](/FileManager//uploads/images/Nam2014/Thang2/toadam.JPG)
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên Đoàn Văn Chì giới thiệu tổng quan về tiềm năng, thế mạnh của Du lịch Điện Biên
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe giới thiệu tổng quan về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Điện Biên. Với lợi thế về tiềm năng du lịch lớn, tỉnh Điện Biên coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động kinh doanh du lịch tăng nhanh qua hàng năm. Năm 2013, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt 380,5 ngàn lượt người, trong đó, khách quốc tế ước đạt 66.750 lượt người. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 433,7 tỷ đồng.
![](/FileManager//uploads/images/Nam2014/Thang2/IMG0416.JPG)
Đoàn khảo sát tham quan Mường Phăng
Với mục tiêu đón trên 130 nghìn lượt du khách quốc tế và 500 nghìn khách du lịch nội địa, tổng thu nhập xã hội từ du lịch đạt 600 tỷ đồng vào năm 2015, ngoài việc nâng cao chất lượng phục vụ tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm du lịch, phương tiện vận chuyển du khách, khu vui chơi giải trí… tỉnh Điện Biên chú trọng xây dựng các vùng có di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu trở thành các điểm tham quan; đầu tư phục dụng và bảo tồn một số lễ hội tiêu biểu, như: lễ hội thành Bản Phủ; lễ hội xên Mường; phát triển sản phẩm du lịch nghề thủ công truyền thống để các làng nghề trở thành địa điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách; đồng thời làm cơ sở sản xuất đồ lưu niệm, quà tặng, các mặt hàng ẩm thực… phục vụ du khách, tiêu biểu như nghề dệt thổ cẩm Lào (bản Na Sang II, xã Núa Ngam), nghề đan lát dân tộc Thái (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên), nghề nấu rượu Mông Pê của dân tộc Mông (huyện Tủa Chùa). Thí điểm xây dựng các chương trình du lịch, tour du lịch mang tính chất trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch, như: chương trình “một ngày làm nông dân Thái”, “quy trình tự làm trang phục dân tộc Mông, dân tộc Lào”…
![](/FileManager//uploads/images/Nam2014/Thang2/IMG8767.JPG)
Đoàn khảo sát tham quan hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đã nêu nhiều ý kiến về nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ tại các cơ sở lưu trú; phát huy bản sắc đặc trưng của các bản văn hóa du lịch để thu hút du khách; vấn đề về vệ sinh môi trường tại các điểm di tích. Đặc biệt, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các điểm di tích.
Để du lịch Điện Biên phát triển, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, tỉnh Điện Biên cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị các di tích lịch sử cách mạng đặc biệt là quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ để thu hút du khách; cần phát triển du lịch theo hướng bền vững; có chính sách ưu đãi và cơ chế thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.
Nhân dịp này, Dự án "Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội", Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã khảo sát một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Qua đó, trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng phát triển du lịch, đồng thời giới thiệu các điểm du lịch đến với du khách trong và ngoài nước. Đoàn khảo sát cũng đã dự lễ ký bàn giao trang thiết bị cho bản Phiêng Lơi, một trong những bản văn hóa du lịch của Điện Biên.
Điện Biên có hơn 100 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 1 khu du lịch sinh thái 3 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao, 44 cơ sở được xếp hạng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch, 2 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 2 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa. Đến nay có trên 90 nhà hàng có quy mô phục vụ từ 20 bàn ăn trở lên/lượt; 8 bản văn hóa du lịch, 20 khu điểm di tích và danh thắng… có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch cơ bản về ăn, nghỉ, tham quan, nghiên cứu của du khách. |
Tin và ảnh: Thanh Hiền