Buổi tọa đàm đã diễn ra rất sôi nổi với các ý kiến thảo luận xoay quanh một số vấn đề như: Là nhà báo, phải biết tự bảo vệ mình, bằng cách nào? Như thế nào? Và phải làm sao? Các nhà báo lâu năm, dày dặn kinh nghiệm trong nghề đã cùng bày tỏ quan điểm, chia sẻ những khó khăn trong nghề và những cách khắc phục cũng như xử lý tình huống để tự bảo vệ mình trong lúc tác nghiệp.

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Nhà báo Thu An (Báo Tuổi trẻ), cho rằng: Điều quan trọng nhất đối với nhà báo khi tác nghiệp là phải có phẩm chất chính trị tốt, xác định lý tưởng nghề nghiệp rõ ràng và giỏi nghiệp vụ, bao gồm kiến thức lĩnh vực chuyên môn sâu, kiến thức nền rộng, kiến thức pháp luật vững và không ngừng rèn luyện về phẩm chất đạo đức. Nếu không trang bị tốt những điều kiện nền tảng đó thì nhà báo khó mà bảo vệ được mình trong quá trình tác nghiệp.
Nhà báo Hồng Phương (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghề Báo Việt Nam), nhận định: Nhà báo cần tác nghiệp báo chí đúng luật, đúng quy định và phải có bản lĩnh. Nói đúng, nói trúng, thuyết phục là phương cách bảo vệ mình tốt nhất. Do vậy, các nhà báo khi tác nghiệp cần có thái độ đàng hoàng, chững chạc và khiêm tốn. Nếu nhà báo và báo chí là đúng mà bị xâm hại thì tôi đề nghị các báo và hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý báo chí cần phải bảo vệ và làm rõ đến cùng, tới nơi tới chốn..
Dưới góc độ luật pháp và cũng là người có hơn 10 năm làm báo, Luật sư Nguyễn Văn Đức - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh – Giám đốc Công ty Luật Biển Đông, cho rằng: Ngoài việc nâng cao tinh thần trách nhiệm cho mỗi phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn khi thực thi công việc của mình, điều không thể thiếu là các tòa soạn báo cần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ làm báo của cơ quan mình. Đây có lẽ là một biện pháp hữu hiệu nhất để giúp các tòa soạn và phóng viên tránh gặp rủi ro khi tác nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, đa số các ý kiến đều có cùng quan điểm: nhà báo muốn tự bảo vệ mình trước hết cần phải có ý thức nghề nghiệp, có kiến thức về luật và quyền hạn của một nhà báo, phải nhanh nhạy trong việc xử lý tình huống bất ngờ, hạn chế các rủi ro có thể mắc phải… Đồng thời, mong muốn Nhà nước cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến việc hành nghề của nhà báo, vì hiện nay còn rất nhiều khó khăn mà các nhà báo thường hay gặp phải, như các cơ quan, đơn vị hạn chế cung cấp thông tin cho báo chí hoặc thậm chí là không tiếp đón, hành lang pháp lý về tiếp cận thông tin báo chí còn nhiều hạn chế... Ngoài ra, bên cạnh việc nhà báo phải biết tự bảo vệ mình thì xã hội và các cơ quan quản lý báo chí cũng phải có trách nhiệm để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo.
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Phạm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Để tự bảo vệ mình, nhà báo cần rèn luyện tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhất là phải nắm rõ pháp luật trong giới hạn hành nghề.
Tin và ảnh: Việt – Hương