Tham dự buổi tọa đàm có Bộ trưởng phụ trách du lịch của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia; Thứ trưởng phụ trách du lịch Myanmar; Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam; Lãnh đạo 4 thành phố du lịch hạ nguồn sông Mekong: Hồ Chí Minh (Việt Nam), Phnom Pênh (Campuchia), Yangon (Myanmar) và Viên Chăn (Lào).
Bộ trưởng và lãnh đạo 4 thành phố chụp hình lưu niệm
Tại tọa đàm, các Bộ trưởng và lãnh đạo của bốn thành phố đã nhất trí đánh giá qua một năm triển khai Tuyên bố chung hợp tác du lịch ACMECS, Cơ quan Du lịch quốc gia các nước đã tích cực hợp tác, dành cho nhau những ưu đãi khi tham gia hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại mỗi nước, phối hợp chặt chẽ tổ chức khảo sát, liên kết sản phẩm du lịch đường sông, phối hợp tổ chức các đoàn cho doanh nghiệp du lịch và báo chí, chương trình tọa đàm doanh nghiệp, hội thảo giới thiệu thị trường nguồn, ngành Du lịch các nước đều tích cực đề xuất lên Chính phủ các biện pháp tháo gỡ rào cản tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn nữa cho du khách, mở rộng việc miễn thị thực, các hãng hàng không giá rẻ mở thêm nhiều chuyến bay và đường bay.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm cũng thẳng thắn thảo luận những hạn chế, tồn tại của hợp tác du lịch ACMECS, đó là hạn chế về nguồn lực, các nước đóng vai trò điều phối chưa chủ động, các rào cản đi lại, chưa khuyến khích được sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch… Qua đó, cần có bước đột phá trong kết nối sản phẩm, hài hòa các tiêu chuẩn, dịch vụ, thống nhất thủ tục đi lại, từng bước hình thành khu vực thị thực chung ACMECS theo đúng phương châm “5 quốc gia - một điểm đến”; đẩy mạnh hợp tác công tư trong du lịch, huy động doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cùng tham gia, xây dựng sản phẩm du lịch xuyên quốc gia; thống nhất đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến tạo điều kiện thuận lợi đi lại hơn nữa cho du khách, hướng đến xây dựng cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015./.
PV