Vi phạm cũng cộm lên ở lĩnh vực máy tính, đặc biệt là tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh internet như ghi âm, ghi hình… Trong một báo cáo tại hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan vừa diễn ra tại TP. Huế, Ông Vũ Ngọc Hoan - Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cho biết: lĩnh vực bản quyền âm nhạc, cả nước chỉ có 39/5.000 cơ sở kinh doanh karaoke; 2/78 khu vui chơi giải trí có thực hiện việc trả tiền bản quyền tác giả. Có 43 đài phát thanh đăng ký trả tiền bản quyền nhưng đa số đã hết hạn, tính đến ngày 20/2/2009 mới chỉ khoảng 20 đài truyền hình ký lại. Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh truyền hình cáp không thực thi và có khoảng trên 150 Website có sử dụng âm nhạc trong kinh doanh nhưng không đăng ký cấp phép trả tiền bản quyền tác giả…Uớc tính, mỗi năm, việc vi phạm bản quyền tác giả gây thiệt hại khoảng trên 120 triệu USD. Năm 2008, thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát hiện hơn 1000 máy tính, nhiều Website đang khai thác bất hợp pháp các tác phẩm âm nhạc, các video clip vi phạm luật sở hữu trí tuệ; tịch thu gần 1 triệu băng, đĩa và gần 2.500 cuốn sách, văn hoá phẩm in, sang lậu.
Tuy nhiên, những con số trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi việc phát hiện, xử lý vi phạm bản quyền trên thực tế rất khó kiểm soát. Thời gian qua nhà nước đặc biệt quan tâm về hoạt động nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật với những tiến bộ quan trọng. Một số bộ, ngành, địa phương cũng đã có chương trình triển khai cụ thể, xử lý về vấn đề này. Nhưng nhìn chung, lâu nay, quy định chế tài, xử phạt trong vi phạm bản quyền còn chung chung ở lĩnh vực văn hoá thông tin và mức xử phạt cao nhất cũng chỉ có 50 triệu đồng nhưng rất ít khi được áp dụng. Bên cạnh đó, dù vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực vi phạm này đã được đặt ra nhưng trên thực tế lại chưa tương thích. Đến nay, chưa có vụ việc nào được đưa ra xử lý có tính điển hình để có tác dụng răn đe, ngăn ngừa. Việc xử lý mới dừng lại ở mức dân sự và chủ yếu là xử phạt hành chính. Cái khó là nước ta chưa có toà án chuyên trách về vấn đề này. Hơn nữa, tâm lý người có quyền lợi được bảo hộ vẫn còn e ngại. Do đó, việc xử lý vụ việc có những cái khó nhất định. Ông Vũ Ngọc Hoan đánh giá: Trước hết, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức còn hạn chế, người có quyền được bảo hộ nhưng không biết rõ quyền và kể cả người sử dụng lẫn công chúng. Nhiều người dân ngang nhiên mua các sản phẩm rẻ, băng đĩa được sao chép bán tràn lan trên thị trường nhưng không biết đó là sản phẩm vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Chính việc nhận thức còn hạn chế này đã “tiếp tay” cho tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan như hiện nay. Đáng nói hơn còn có bộ phận, dù nhận thức rõ luật nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Trước thực trạng này, Chính phủ ban hành Chỉ thị 36/2008-TTG về tăng cường công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ có tác dụng tăng cường công tác quản lý, từ các Bộ, Ban, Ngành địa phương, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; nâng cao nhận thức cho người dân…Và đặc biệt, với việc ra đời của Chỉ thị 36, mức xử phạt hành chính trong vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan sẽ được nâng lên, với mức cao nhất là 500 triệu đồng. Hy vọng đây sẽ là “chiếc gậy” để làm tốt hơn công tác quản lý, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Điều này hết sức quan trọng bởi tình trạng vi phạm bản quyền nếu không có những biện pháp mạnh để hạn chế, ngăn chặn, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ./.
Minh Hạnh