.jpg)
Khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: Phó Bá Cường
Sau 16 năm kể từ Thông báo 179/TB-TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trong tình hình mới, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có đánh giá đầy đủ về bối cảnh thế giới mới, xem xét những tác động đến du lịch Việt Nam; đồng thời, phân tích các điển hình cụ thể của các nước là điểm đến cạnh tranh với Việt Nam và các nước có ngành du lịch phát triển, làm căn cứ quan trọng để đề ra các chương trình hành động phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển của du lịch thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp du lịch đã cho ý kiến góp ý về Dự thảo Báo cáo “Tình hình du lịch thế giới và tác động đến Du lịch Việt Nam” và Dự thảo Báo cáo “Thực trạng và tác động của chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đối với du lịch thế giới và Việt Nam”.
Báo cáo đã đưa ra được những vấn đề nổi bật của tình hình du lịch thế giới, các dự báo và xu hướng du lịch thế giới: xu hướng đi du lịch của khách du lịch, quảng bá xúc tiến, e-marketing, sản phẩm du lịch (tập trung vào du lịch chữa bệnh, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, du lịch xanh), chính sách quản lý phát triển du lịch, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, tăng cường sức cạnh tranh điểm đến, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch; các kinh nghiệm quốc tế về marketing du lịch; cơ hội, thách thức và các đề xuất kiến nghị cho du lịch Việt Nam. Báo cáo đã đưa ra những phân tích và thống kê từ nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (2014) và Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương (2014).
.jpg)
Đại diện Vụ Thị trường Du lịch trình bày Dự thảo Báo cáo “Tình hình du lịch thế giới và tác động đến Du lịch
Việt Nam”
Về chính sách thị thực nhập cảnh, báo cáo đưa ra các ý kiến về thực trạng chính sách thủ tục nhập cảnh của Việt Nam như: thông tin về thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam rõ ràng, minh bạch, nhưng hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo chính sách hiện nay, Việt Nam mới chỉ thực hiện nhận thị thực tại cửa khẩu chứ không cấp thị thực tại cửa khẩu. Chính sách thị thực nhập cảnh của một số nước trong khu vực: Singapore đã miễn thị thực cho công dân của trên 150 quốc gia và cùng lãnh thổ, Malaysia miễn 155 quốc gia, Thái Lan miễn 55 nước, cấp thị thực tại cửa khẩu cho 28 nước…
Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã từng bước miễn thị thực cho công dân các nước ASEAN, đơn phương miễn thị thực cho công dân 7 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Nga, và đã nhận được phản hồi tích cực khi các thị trường khách được miễn thị thực đơn phương đều có tốc độ tăng trung bình hàng năm các năm về lượng khách đến Việt Nam như khách Nga tăng trung bình 57%, Hàn Quốc 13,8%, các nước Bắc Âu trên 10%...
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: hiện nay Bộ VHTTDL đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ kéo dài thị thực cho khách Nga từ 10 ngày lên 15 - 30 ngày, điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thu hút khách du lịch Nga đến Việt Nam. Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang trong quá trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nới lỏng và tiến tới miễn thị thực cho 5 quốc gia nữa gồm: Pháp, Đức, Anh, Australia và Ấn Độ.
Báo cáo “Thực trạng và tác động của chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đối với du lịch thế giới và Việt Nam” cũng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục ở các cơ quan đại diện và cửa khẩu; cấp thị thực tại cửa khẩu thực sự; tiếp tục áp dụng các chế độ ưu đãi riêng biệt đối với 7 thị trường hiện nay, xem xét từng bước mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương; thực hiện cấp thị thực điện tử (E-Visa); tham gia các thỏa thuận thị thực chung như ACMECS, ASEAN.
Đa số các ý kiến góp ý tại Hội thảo đều cho rằng các Báo cáo được nêu ra là tài liệu hết sức cần thiết, cần cập nhật hàng năm, bổ sung nghiên cứu sâu hơn về Việt Nam, cần gắn xuyên suốt với các Chiến lược và Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam, đưa ra đề xuất cụ thể hơn… Sau hội thảo này, tổ nghiên cứu sẽ tiếp thu có chọn lọc các ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, làm cơ sở khoa học hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch định hướng hoạt động quản lý nhà nước và kinh doanh dài hạn.
Hạ Tinh