Chợ Đông Ba được Vua Đồng Khánh cho xây dựng năm 1887 ở bên ngoài Cửa Chính Đông (nay là Cửa Đông Ba). Đến năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay. Trải qua thời gian, chợ Đông Ba đã nhiều lần tu sửa với diện tích 47.614m2 từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền, một mặt là sông Hương, một mặt là phố chính Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba có kiến trúc ba lầu vuông vức với hàng ngàn lô hàng đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của nhân dân. Chợ là công trình có giá trị văn hóa và lịch sử lâu đời gắn liền với sự phát triển giao thương của mảnh đất cố đô.

Chợ Đông Ba có khoảng 60 ngành hàng, buôn bán từ các mặt hàng cao cấp đến bình dân, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Chợ Đông Ba còn là một trong mười điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Người đến chợ không chỉ mua những đặc sản quý hiếm của xứ Huế như nón bài thơ, kẹo mè xửng, mắm tôm chua, nem chả, quýt Hương Cần, hạt sen Tịnh Tâm; mà có thể còn có dịp thưởng thức các món cơm hến cay rát lưỡi ở các quầy hàng rong, nếm món bánh bột lọc, món bánh bèo mỏng manh với nước mắm ớt xanh; thử tô bún bò giò heo còn nghi ngút khói và dạo chợ để thưởng thức thái độ mua bán lịch sự, văn minh, văn hoá ứng xử dịu dàng của người phụ nữ Huế.
Chợ Đông Ba còn là hình ảnh sản vật của các làng nghề, ở đó có bánh ngũ sắc, bánh tráng Sịa nổi tiếng ở Huế, lưu giữ được nét truyền thống của người dân nơi đây. Cây trái của những miệt vườn ven Huế ở chợ Đông Ba không thiếu, như măng cụt Kim Long, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng. Chợ Đông Ba còn là nơi qui tụ tất cả những mặt hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống Huế như hàng rèn Hiền Lương, đúc đồng Phường Đúc gồm có chuông, lư đồng, tượng Phật... thu hút hoặc làm mê hoặc du khách bởi tính đa dạng, phong phú của một trung tâm thương mại lớn.
Đây cũng là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi mua bán hàng hóa của nhiều tầng lớp lao động, trí thức và du khách. Vì vậy, văn hóa ứng xử trong quan hệ mua bán giữa tiểu thương và khách hàng được hình thành và phát triển trên cơ sở văn hóa thị dân, văn hóa đô thị. Đó là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần tạo nên phong cách mua bán văn minh lịch sự của tiểu thương chợ Đông Ba. Phong cách ấy được thể hiện qua giao tiếp, ứng xử, giữ chữ tín trong quan hệ kinh doanh và cả trong phong cách ăn mặc.

Quanh năm buôn bán vất vả là vậy, nhưng mỗi dịp lễ hay các sự kiện lớn của đất nước, tiểu thương chợ Đông Ba luôn hưởng ứng tích cực các hoạt động quảng bá áo dài Việt Nam. Từ đó, mang đến những trải nghiệm thú vị, giữ chút gì “rất Huế” trong lòng du khách thập phương khi dừng chân tại chợ Đông Ba.
Những ngày đầu tháng 3 năm nay khi đến với chợ Đông Ba, du khách sẽ thích thú khi bắt gặp hình ảnh các chị em tiểu thương thướt tha trong tà áo dài đầy màu sắc. Đó chính là hoạt động hưởng ứng chào mừng ngày quốc tế phụ nữ mùng 08/3 được Ban Quản lý chợ vận động từng gian hàng, từng tiểu thương sẽ là những bông hoa tươi thắm mang đến những sắc màu tươi sáng cho ngôi chợ đã hơn 120 năm tuổi.
Nhằm thực hiện Đề án Huế - Kinh đô áo dài và chào mừng 112 năm ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Công văn số 2040/UBND-VH ngày 3/3/2022 về việc miễn vé tham quan di tích đối với phụ nữ khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam. Theo đó, miễn 100% giá vé tham quan từ ngày 05 đến hết ngày 10/3/2022 đối với phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến tham quan các điểm di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý.
Lan Phương