Biên chung, biên khánh là hai loại nhạc khí gồm nhiều chiếc chuông đồng, khánh đá được sắp xếp theo thứ tự âm thanh nhất định. Đây là hai loại nhạc cụ cung đình độc đáo trong Nhã nhạc của một số nước Đông Á, trong đó có Hàn Quốc, Việt Nam và có nguồn gốc lâu đời trong văn hóa Trung Hoa cổ đại. Chúng rất được ưa chuộng trong Nhã nhạc Trung Hoa, về sau được du nhập sang Triều Tiên và Việt Nam. Ở nước ta, hai nhạc cụ này được dùng Nhã nhạc thời Lê (1427 - 1788) và thời Nguyễn (1802 - 1945) và được xem là những bộ nhạc cụ nghi lễ quan trọng của nhã nhạc.
![](/FileManager/mypicture/TRAO-TANG-BO-BIEN-CHUNG-.jpg)
|
Đại diện Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc trao tặng bộ biên chung, biên khánh – nhạc khí Việt Nam cho đại diện Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế
|
Đến đầu thế kỷ 20, kỹ thuật chế tác hai loại nhạc cụ này đã thất truyền ở Việt Nam, nay chỉ còn lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế với tư cách là hiện vật bảo tàng với số lượng và chất lượng hạn chế. Vì vậy, sau khi Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (năm 2003), Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đáng tin cậy cho một chương trình nghiên cứu phục hồi cả về hình thức nguyên bản và cách diễn tấu của nhạc cụ này. Trên cơ sở đó, năm 2010, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã hợp tác với Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc cùng nghiên cứu phục chế hoàn chỉnh bộ biên chung, biên khánh của Nhã nhạc Việt Nam với việc sử dụng hoàn toàn nguyên liệu truyền thống của Việt Nam mà chủ yếu là tại Huế dưới sự tài trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc. Kết quả là các chuyên gia của Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc mà chủ yếu là nghệ nhân Kim Hyunkon đã phục chế hoàn chỉnh bộ Biên chung, Biên khánh như nguyên mẫu.
Trong đó, bộ biên chung gồm 12 chiếc chuông bằng đồng, quai chuông đúc hình 2 con “bồ lao”, giữa thân “bồ lao” có móc để treo chuông lên giá. Chuông được đúc rỗng, thành chuông đúc 5 đường gờ nổi song song, 4 đường gờ có đúc nổi 9 nút nhỏ ở mỗi đường để làm điểm gõ. Bộ biên khánh gồm 12 khánh có móc để treo lên giá.
Cũng tại buổi lễ, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc đã ký kết thảo thuận hợp tác giữa hai bên.
Theo ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, sự thành công của hoạt động hợp tác này sẽ là một khởi đầu cho chương trình hợp tác dài nhằm tiếp tục đưa mối quan hệ hợp tác trao đổi văn hóa giữa Thừa Thiên - Huế và Hàn Quốc lên tầm cao mới cả về hình thức và nội dung, đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu, trao đổi chuyên gia, thực hiện phục chế nhạc khí truyền thống và giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Dự kiến trong năm tới, bộ biên chung, biên khánh này sẽ được nghiên cứu về hình thức diễn tấu một cách hoàn chỉnh để trình diễn tại các lễ hội quan trọng như lế tế Xã tắc, Lễ tế giao... và tại các kỳ Festival Huế.
Minh Hạnh