Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam
Thực trạng và thách thức
Phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” chiều 25/11, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Ths. Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thuốc lá rất có hại có sức khoẻ. Theo số liệu thống kê, mỗi năm tỷ lệ tử vong do thuốc lá trên thế giới là 8 triệu người tử vong vì thuốc lá, và 1 triệu người tử vong liên quan đến một số bệnh liên quan đến thuốc lá. Ở Việt Nam, có 400 nghìn ca tử vong liên quan đến thuốc lá đây là một con số rất lớn. Đồng thời, doanh thu là 490 ngàn tỷ và số tiền thuế chúng ta thu được là khoảng 17 ngìn tỷ nhưng chi phí bỏ ra cho khám chữa bệnh khoảng 300 nghìn tỷ, chưa kể 25 căn bệnh mà do tác hại của thuốc lá gây nên nó đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp làm công tác truyền thông để người dân ý thức hơn về tác hại của thuốc lá gây ra.
Theo TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện VP WHO tại Việt Nam cho rằng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác là những sản phẩm không an toàn, không có lợi cho sức khỏe mà thực sự là rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh thiếu niên. Các bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng đang có xu hướng gia tăng và nguyên nhân chính là vì ba lý do: Thứ nhất, những sản phẩm này chứa hàm lượng lớn nicotine, một chất gây nghiện mạnh; Thứ hai, những sản phẩm này có chứa các chất độc hại tương tự như những chất độc có trong thuốc lá thông thường - những chất đã được chứng minh là có thể gây ung thư, bệnh tim và bệnh phổi về lâu dài; Thứ ba, các sản phẩm này được thiết kế và bày bán trên thị trường với màu sắc, hương vị và bao bì hấp dẫn để thu hút giới trẻ.
Bên cạnh đó, Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử chứa chất Nicotine ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não trẻ em và vị thành niên. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Đại diện Quỹ phòng chống thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Và theo WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Trong đó, có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá: 96,8% (nghiên cứu BV K). Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Qua đó, đã gây nên gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá.
Giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc
Theo TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, WHO khuyến nghị các quốc gia nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Điều này có nghĩa là chúng tôi đặc biệt khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe của giới trẻ thì không nên thí điểm hoặc hợp pháp hóa các sản phẩm này, để chúng ta có thể tránh việc tạo ra một thế hệ tương lai nghiện các sản phẩm thuốc lá rất có hại này.
Đề cập đến thách thức trong kiểm soát thuốc lá bằng công cụ tài chính ở Việt Nam, Ths. Đào Thế Sơn – Đại diện liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi đã đưa ra các kiến nghị về chính sách thuế. Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ lớn. Sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại. Để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập. Tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ.
Theo Ths.Bs. Nguyễn Tuấn Anh để giảm tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đới với trẻ em hiện nay thì theo khuyến cáo WHO, Việt Nam nên duy trì và tăng cường các qui định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ. Đồng thời, tăng cường thực thi qui định chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm này.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vai trò của biện pháp tài chính trong kiểm soát thuốc lá, ThS. Nguyễn Hạnh Nguyên – Đại diện Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá giúp giảm tiêu dùng, nâng cao sức khoẻ, giảm bệnh tật, tử vong sớm và các chi phí y tế và kinh tế liên quan. Đồng thời, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không liên quan đến giảm lao động của ngành thuốc lá. Ngược lại, xét trên toàn bộ nền kinh tế, tăng thuế thuốc lá có tác động tích cực làm tăng công ăn việc làm của nền kinh tế.
Phước Quang